Phát triển thương mại điện tử và kinh tế số: Chỉ có 1 nguyên nhân tích cực

Chuyển đổi số trong thương mại 'nhờ' có dịch bệnh Covid 19 nên đã được đẩy mạnh. Lý do nghe rất hay nhưng sâu xa lại rất buồn.

Tại Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 2/6, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định, thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số (KTS) trong 5 tháng qua tại Việt Nam với gam màu hồng là chủ đạo len lỏi đến khắp các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành cũng nhận định, dù ảo số đến đâu thì cuối cùng bản chất của kinh tế số vẫn là bản sao của thế giới thực. Nếu thế giới thực không vận hành thì mảng kĩ thuật số cũng không thể tồn tại và phát triển, dù đằng sau những bản sao đấy là những nhà toán học thông minh, những nhà bác học lỗi lạc và cả hệ thống trí tuệ nhân tạo khổng lồ thông minh nhất trên đời.

“Uber vừa rồi phải cắt giảm 600 – 700 nhân công ở Ấn Độ vì thua lỗ nặng. Như vậy dù mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ nào cũng phải gắn với chiến lược thực của mỗi doanh nghiệp và doanh nghiệp đó phải biết chọn bản sao nào của thế giới thực để tham gia cuộc chơi”, TS Võ Trí Thành chỉ rõ.

Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam”

Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam”

Không hài lòng với hạ tầng công nghệ của Việt Nam sẽ kéo theo việc phát triển KTS và TMĐT chậm phát triển, TS Võ Trí Thành dẫn thực tế tham dự nhiều cuộc hội thảo trực tuyến trong 2 tháng qua đã bộc lộ đường truyền có vấn đề. Không phải công tác tổ chức, sử dụng mạng 3G, 4G hay 5G mà tốc độ đường truyền, độ an toàn của đường truyền cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá giao diện online.

“Đơn cử như hệ thống giáo dục trực tuyến chưa được đánh giá chất lượng, nhiều người dân phản hồi tiêu cực. Chưa ai cấp chứng chỉ cho mô hình đào tạo trực tuyến này. Ngoài ra nền tảng mềm phía sau phương pháp này còn rất thiếu”, TS Võ Trí Thành đánh giá.

Mặc dù thừa nhận quá trình chuyển đổi số trong thời gian dịch Covid-19 ở Việt Nam đã có những bước đột phá trong 5 tháng qua, ngoài quá trình KTS và TMĐT vốn là một xu hướng tất yếu, song TS Võ Trí Thành vẫn đề cập đến 3 nguyên nhân mà trong đó chỉ có 1 nguyên nhân được coi là tích cực. Theo cách nói của TS Võ Trí Thành thì “Chuyển đổi số nhờ có dịch bệnh nên đã được đẩy mạnh. Lý do nghe rất hay nhưng sâu xa lại rất buồn”.

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên nhân đầu tiên khiến TMĐT phát triển nhanh trong quá trình dịch bệnh phải kể đến, đó là nhờ chính sách “cực chẳng đã” khi Việt Nam phải thực hiện chủ trương chống dịch Covid-19 và cách ly biên giới trong nội tại quốc gia và giữa các quốc gia. “Thành công của TMĐT trong chống dịch là nhờ một nguyên nhân không hề mong muốn, nhờ một chính sách không hề ai muốn có, đó là giãn cách xã hội”, ông Thành nói.

“Điểm sáng” thứ hai và cũng là nguyên nhân thứ yếu trong phát triển KTS và TMĐT 5 tháng qua theo TS Võ Trí Thành cũng chính là nỗi sợ hãi. Sợ hãi dịch bệnh của xã hội khiến giao dịch online tăng lên. “Thương mại điện tử tiến lên không thể nhờ vào sự sợ hãi mà phải phát triển bằng tình yêu, sự gắn bó đoàn kết và sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng”, TS Võ Trí Thành nói.

Lý do thứ 3 đó là trong thời gian chống dịch (cuộc chiến) theo phân tích của TS Võ Trí Thành chính là việc xử lý các nhiệm vụ, chỉ thị rất cần tốc độ, việc triển khai các chỉ thị cần phải nhanh và muốn nhanh thì việc tăng cường giải quyết bằng công nghệ số hóa, kinh tế số, vận hành TMĐT đã được tận dụng để giải quyết. “Nguyên nhân này được đánh giá là tích cực bởi có sự triển khai đồng bộ, nhanh và hiệu quả”, TS Võ Trí Thành khuyến khích phát triển KTS và TMĐT từ yếu tố này.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

Tại Hội thảo, đánh giá vai trò của phát triển TMĐT, TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, TMĐT giúp doanh nghiệp nâng cao được sức cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công, quảng cáo cũng như dịch vụ bán hàng.

“Doanh nghiệp tăng được việc tiếp cận đầu vào và đầu ra, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng. Đặc biệt, thời gian dành cho thực hiện giao dịch TMĐT không giới hạn đối với khách hàng toàn cầu với tốc độ giao dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng được mọi nguồn lực”, TS Lê Xuân Sang cho biết.

Dẫn báo cáo gần đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), TS Lê Xuân Sang cho biết, dịch Covid-19 đã giúp doanh số bán hàng của doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân tăng lên đỉnh điểm, đặc biệt làm tăng doanh số bán hàng giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát của tạp chí Nikkei mới đây với 4.273 doanh nghiệp, khách hàng trong thời gian từ 19/3 – 19/4/2020 đối với vùng châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, có đến 52% ý kiến được hỏi sẽ tăng mua hàng online; 32% ý kiếnkhẳng định là không thay đổi phương pháp mua sắm và chỉ có khoảng 10 % ý kiến không tin tưởng vào TMĐT./.

Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường TMĐT năm 2018 lên tới khoảng 8,0 tỷ USD và dự kiến đạt 13 tỷ USD năm 2020, dự báo đạt 33 tỷ USD năm 2025.

Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường TMĐT sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-va-kinh-te-so-chi-co-1-nguyen-nhan-tich-cuc-1054996.vov