Phát triển thủy sản theo hướng nâng cao giá trị
Phú Thọ có nhiều diện tích mặt nước, gồm các ao, hồ, đầm, ruộng trũng và hàng trăm km chiều dài sông Hồng, sông Đà, sông Lô có thể nuôi trồng thủy sản. Người dân ở các địa phương trong tỉnh có nhiều kinh nghiệm về nghề cá. Khai thác tiềm năng, lợi thế đó, tỉnh đã có các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất thủy sản theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, nâng cao giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Theo Kế hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, diện tích mặt nước nuôi thủy sản trên 10 nghìn ha, trong đó diện tích chuyên nuôi thủy sản 5,6 nghìn ha. Nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản tại các hồ nước lớn, các khu nuôi thủy sản tập trung; khai thác tiềm năng cung cấp nước của các công trình thủy lợi lớn tại các huyện: Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Yên Lập để mở rộng diện tích, xây dựng vùng nuôi tập trung, phát triển vùng nuôi tôm càng xanh ở Cẩm Khê.
Tập trung chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng (diện tích nuôi thâm canh đạt 2.735ha); số lồng lưới nuôi thâm canh 1.895 lồng, giảm quy mô lồng lưới nuôi trên sông, tăng số lồng lưới nuôi trong hồ chứa; nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi diện tích ruộng một vụ, mặt nước lớn.
Mở rộng diện tích nuôi các đối tượng thủy sản đặc sản, bản địa có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, chiên, nheo, ngạnh, trắm cỏ, trắm đen, chép lai, rô phi, diêu hồng, cá quả, tôm càng xanh, lươn, ếch... nâng tỉ lệ giống có giá trị kinh tế cao từ 50% lên 70%, góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng hiệu quả kinh tế.
Để phát triển thủy sản, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần đổi mới quan hệ sản xuất, phát triển mạnh loại hình kinh tế doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, huy động tiềm lực kinh tế của người dân đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước trên địa bàn. Công tác khuyến ngư được đẩy mạnh qua hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn, hội thảo đầu bờ về tiến bộ kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trị bệnh, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao kỹ thuật thâm canh của người dân. Nhiều mô hình nuôi các đối tượng giống mới, giống bản địa có giá trị kinh tế cao được triển khai tại các địa phương và có sức lan tỏa mạnh.
Sản xuất thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tăng diện tích nuôi thâm canh công nghiệp, bán công nghiệp. Đặc biệt, cơ cấu giống thủy sản đặc sản, giá trị kinh tế cao ngày càng tăng lên. Tỉ lệ cá giống đặc sản, giống có năng suất, chất lượng cao đưa vào nuôi chiếm trên 60% cơ cấu giống nuôi. Nhiều đối tượng thủy sản đặc sản, bản địa có giá trị kinh tế cao đã từng bước phát triển mạnh theo hướng hàng hóa tập trung như: Ếch, ốc nhồi, cá tầm... Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng nuôi đối tượng thủy sản bản địa, có giá trị tại các huyện: Cẩm Khê, Thanh Thủy...
Năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 10.900ha, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác toàn tỉnh ước đạt trên 44.000 tấn, tăng hơn 1.300 tấn so với năm 2022. Từ những định hướng phát triển của tỉnh, sự chủ động tích cực của ngành Nông nghiệp và PTNT, sự vào cuộc của các huyện, thành, thị, sự quan tâm đầu tư khai thác tiềm năng mặt nước để phát triển kinh tế thủy sản của người dân đã mang lại kết quả quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tuy nhiên, phát triển thủy sản còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Đó là: Sản xuất thủy sản chịu ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu; dịch bệnh trên đàn cá nuôi diễn biến khá phức tạp, có xu hướng gia tăng; liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị bước đầu đã hình thành song còn lỏng lẻo, chưa khép kín, thị trường tiêu thụ không ổn định; đầu tư sản xuất thủy sản cần vốn lớn trong khi tiềm lực kinh tế của người dân còn khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Để nâng cao giá trị, phát triển thủy sản bền vững, cần cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng phát triển thủy sản bản địa, nâng cao diện tích nuôi thâm canh, giảm diện tích nuôi bán thâm canh; giảm quy mô lồng nuôi trên sông, phát triển nuôi cá lồng trong hồ chứa; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu thủy sản, nâng cao hiệu quả nuôi diện tích ruộng một vụ và mặt nước lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng chế phẩm sinh học, các thiết bị phụ trợ trong quản lý môi trường ao nuôi, phòng trị dịch bệnh và quy trình thực hành nuôi tốt (GAP); mở rộng diện tích nuôi các loại thủy sản giống mới, đặc sản có giá trị kinh tế cao. Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất tại các khu ương nuôi giống tập trung. Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng dịch vụ giống, thức ăn, hóa chất và môi trường nuôi.