Phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị kinh tế cao

Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển ngành thủy sản. Tuy nhiên, sản lượng và năng suất nuôi trồng thủy sản (NTTS) có tăng nhưng ở mức thấp; sản phẩm thủy sản chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi sống, chưa có sản phẩm chế biến, chưa xây dựng được thương hiệu... Thực tế này đòi hỏi tỉnh cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ mới, thiết thực hơn, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị.

Nhờ chương trình hỗ trợ máy sục khí tạo oxy của tỉnh, gia đình anh Phạm Văn Tấn (xã Tam Hồng, Yên Lạc) có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá thâm canh

Nhờ chương trình hỗ trợ máy sục khí tạo oxy của tỉnh, gia đình anh Phạm Văn Tấn (xã Tam Hồng, Yên Lạc) có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá thâm canh

Với những chính sách hỗ trợ thiết thực của tỉnh như hỗ trợ xây dựng các mô hình cá giống mới; hỗ trợ thay thế, bổ sung loài cá bố mẹ; hỗ trợ máy sục khí tạo oxy..., cùng sự mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào nuôi trồng thủy sản của các hộ nông dân, ngành thủy sản của tỉnh những năm gần đây đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp vào sự tăng trưởng chung và thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Giai đoạn 2016 - 2021, giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh (theo giá so sánh 2010) tăng 3,3%/năm; sản lượng thủy sản tăng 3,1%/năm; sản lượng nuôi trồng tăng 3,4%/năm; năng suất nuôi trồng tăng 4,3%/năm.

Sản lượng cá giống tăng bình quân 2,5%/năm. Sản xuất thủy sản chiếm tỷ trọng 7,1% trong cơ cấu ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh.

Trong NTTS, nhiều đối tượng mới có hiệu quả được đưa vào nuôi; các hình thức, phương thức nuôi ngày càng đa dạng và phát triển như nuôi trong ao, hồ, nuôi lồng, bể; nuôi quảng canh cải tiến, nuôi bán thâm canh và thâm canh, nuôi theo công nghệ cao…

Nếu như năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở sản xuất giống với tổng diện tích 32,6 ha, số lượng gần 6.000 con, sản lượng đạt 15,2 tấn cá bố mẹ các loại thì đến nay đa số các cơ sở đã chuyển sang hình thức ương dưỡng, chỉ còn 3 cơ sở sản xuất giống gồm 2 cơ sở tư nhân và 1 cơ sở nhà nước thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc chủ yếu sản xuất cá bột để bán cho các hộ ương cá giống của tỉnh và các tỉnh trong vùng, còn một phần ương thành cá giống.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có gần 500 hộ tham gia ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản. Các cơ sở này hình thành nên vùng sản xuất giống thủy sản tập trung ở các xã Yên Lập, Đại Đồng, Tân Tiến, Vũ Di (Vĩnh Tường); nuôi cá thương phẩm ở các xã Phú Đa, Cao Đại, Tuân Chính (Vĩnh Tường), Liên Châu, Nguyệt Đức, Tam Hồng (Yên Lạc); nuôi cá lồng trên sông Lô (Sông Lô), sông Phó Đáy (Lập Thạch); nuôi cá tầm, trai nước ngọt lấy ngọc, cá chiên, ngạnh, lăng, ếch ở các huyện Tam Đảo, Sông Lô và Tam Dương.

Các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ của tỉnh, nhất là chương trình nuôi cá giống mới, máy tạo oxy đã giúp cho người dân quen dần với phương thức nuôi thâm canh, sử dụng thức ăn công nghiệp trong NTTS; thay đổi tư duy sản xuất từ thả cá sang nuôi cá, tăng vụ/năm, mạnh dạn ứng dụng KHKT vào sản xuất... thúc đẩy tăng năng suất, sản lượng thủy sản nuôi trồng.

Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi cá thâm canh cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha gấp 2-3 lần so với nuôi cá truyền thống như mô hình nuôi cá rô phi theo công nghệ Biofloc của Israel của gia đình anh Hoàng Hồng Hải, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên); Hoàng Văn Chỉnh, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên); mô hình nuôi cá lồng trên sông của gia đình chị Ngụy Hồng Cúc, xã Thái Hòa (Lập Thạch)...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản lượng và năng suất NTTS của tỉnh có tăng nhưng ở mức thấp (bình quân đạt 3,4 tấn/ha), còn thấp so với nhiều địa phương khác của vùng Đồng bằng Sông Hồng như Bắc Ninh 6,1 tấn/ha, Hải Dương 5,3 tấn/ha, Hà Nội 5,0 tấn/ha...; tổ chức sản xuất thủy sản chủ yếu là quy mô hộ, số lượng DN, HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất thủy sản còn hạn chế.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nhiều vùng chưa được đầu tư hoặc đã xuống cấp, các mô hình ứng dụng công nghệ cao còn ít; sản phẩm thủy sản chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi sống, chưa có sản phẩm chế biến, chưa xây dựng được thương hiệu của tỉnh và sản lượng khai thác thủy sản có xu hướng giảm.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, sản xuất thủy sản của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn như: Diện tích sản xuất đang dần thu hẹp; giá cả và thị trường không ổn định; biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng như trên người diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất...

Nhằm phát triển thủy sản theo hướng thâm canh, sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tỉnh đang xây dựng "Đề án phát triển Thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2030”.

Với việc đề ra, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách mới, giải pháp cụ thể về hỗ trợ giống thủy sản; hỗ trợ quan trắc môi trường; hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ các mô hình khuyến ngư, đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất thủy sản, góp phần xây dựng nông nghiệp - nông thôn của tỉnh ngày càng hiện đại, văn minh.

Bài, ảnh: Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/83064/phat-trien-thuy-san-theo-huong-san-xuat-hang-hoa-gia-tri-kinh-te-cao.html