Phát triển thủy sản theo hướng thâm canh

Khai thác tiềm năng lợi thế về phát triển thủy sản, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực áp dụng tiến bộ KHKT, đầu tư thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ nuôi thủy sản.

Mô hình nuôi thâm canh thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Trần Trung Kiên xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm.

Hiện nay, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 11.200ha, trong đó diện tích chuyên nuôi ổn định 5.420ha (nuôi thâm canh đạt 2.350ha, nuôi bán thâm canh 3.070ha); còn lại là diện tích nuôi một vụ và nuôi quảng canh. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 1.995 lồng nuôi cá ở các huyện có điều kiện thuận lợi. Năng suất bình quân đạt gần 3 tấn/ha. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất song sản lượng thủy sản của toàn tỉnh vẫn đạt trên 42.100 tấn; trong đó sản lượng nuôi đạt trên 39.500 tấn. Tuy nhiên, năng suất và sản lượng nhìn chung còn khá thấp so với tiềm năng thủy sản của tỉnh.Để khai thác tiềm năng và lợi thế diện tích mặt nước nuôi thủy sản, những năm qua đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản được triển khai như: Xây dựng vùng nuôi thủy sản chất lượng cao quy mô 50ha tại các xã Xương Thịnh, Minh Tân, huyện Cẩm Khê; hỗ trợ vật tư máy móc, thiết bị vật tư sơ chế, chế biến chả cá; hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng cửa hàng “liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá lồng sông Lô” tại huyện Đoan Hùng; mô hình nuôi cá “sông trong ao” ở các huyện Thanh Thủy, Tam Nông... Từ các chương trình hỗ trợ, nhiều hộ nuôi thủy sản đã học tập kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư nuôi thâm canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Khắc Sang, chủ trang trại tổng hợp ở thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông chia sẻ: “Sau khi đi tham quan một số mô hình nuôi thâm canh ở Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, tôi thấy nuôi mật độ như mình vẫn làm xưa nay vừa lãng phí mặt nước, thức ăn vừa đem lại hiệu quả kinh tế lại không cao. Học được kinh nghiệm, tôi thả theo mật độ dày hơn, nhiều loại cá với các tầng nước khác nhau để tận dụng hết nguồn thức ăn. Sau hai vụ, tôi thấy hiệu quả rõ rệt khi chi phí cho thức ăn chỉ tăng lên khoảng 20% nhưng sản lượng thu về cao hơn gấp đôi”.Tuy nhiên, diện tích nuôi thâm canh trên địa bàn tỉnh còn ít so với tiềm lực mặt nước; người nuôi thủy sản chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm; chưa được đào tạo kỹ về kỹ thuật; số lượng cán bộ có chuyên môn về thủy sản ở các huyện, thành, thị thiếu nhiều; công tác triển khai thực hiện cấp giấy xác nhận nuôi cá lồng trên sông còn gặp khó khăn do hiện tại tỉnh chưa có thủ tục cấp phép sử dụng mặt nước sông để nuôi thủy sản; thời gian đấu thầu mặt nước có diện tích nhỏ ngắn nên các chủ nuôi không muốn đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi thâm canh...Để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi thâm canh, phát huy giá trị kinh tế từ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản đã có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi thâm canh thêm 71ha, tập trung tại các huyện Hạ Hòa, Tam Nông, Cẩm Khê, Phù Ninh, Thanh Ba, Yên Lập... chuyển đổi 19ha nuôi bán thâm canh sang nuôi thâm canh tại huyện Lâm Thao. Đồng thời đẩy mạnh việc đưa các giống đặc sản có giá trị kinh tế cao như lăng, trắm đen, nheo, chép, chiên...vào nuôi với tỉ lệ khoảng trên 60% diện tích và số lồng nuôi; phát triển nuôi cá nước lạnh tại các huyện có lợi thế tạo thành chuỗi sản xuất.Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương để xây dựng, hình thành vùng, khu nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị theo hướng tập trung; lựa chọn các cơ sở, khu nuôi cấp mã số vùng sản xuất, tem truy xuất và số hóa toàn bộ quy trình sản xuất, kết nối phát triển hệ thống dữ liệu phục vụ công tác dự báo, phân tích, đánh giá, quản lý sản xuất, phát triển thị trường, từ đó nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, tạo động lực cho các hộ nuôi thủy sản yên tâm đầu tư thâm canh.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202203/phat-trien-thuy-san-theo-huong-tham-canh-183174