Phát triển thủy sản ứng phó với biến đổi khí hậu

PTĐT - Những năm gần đây, thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất, nông nghiệp nói chung, lĩnh vực thủy sản nói riêng. Vì vậy, cần có giái pháp phát triển thủy sản ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.

Mô hình nuôi cá “sông trong ao” của gia đình ông Thiều Minh Thế ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng thành công huyện nông thôn mới.

Mô hình nuôi cá “sông trong ao” của gia đình ông Thiều Minh Thế ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng thành công huyện nông thôn mới.

Khai thác tiềm năng

Với lợi thế có 3 con sông lớn là sông Đà, sông Lô, sông Hồng chảy qua cùng nhiều con sông nhỏ, hồ, đầm có chất lượng nước tốt, tỉnh xác định thủy sản là 1 trong 6 chương trình nông nghiệp trọng điểm. Với chủ trương, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào thủy sản đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản đã hình thành nên các khu nuôi thủy sản tập trung theo hướng thâm canh.
Nhằm phát triển thủy sản, ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát để sửa chữa, bảo dưỡng hàng nghìn mét đê, hành lang đê; cải cạo cống dưới đê; sửa chữa các kè; hồ, đập bị hư hỏng thuộc các huyện Tam Nông, Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê;…Các công trình, dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả khai thác đa mục tiêu như: Thủy lợi kết hợp với giao thông, cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, phòng chống xô lũ, giảm nhẹ thiên tai. Đặc biệt, nhiều hồ đập lớn được đầu tư xây dựng vừa phục vụ tưới tiêu vừa phát triển thủy sản như hồ Ly Thượng Long, hồ Phượng Mao, hồ Xuân Sơn, đập Ngòi Giành với trữ lượng lên đến hàng chục triệu m3 nước, góp phần mở rộng diện tích thâm canh thủy sản.Tổng diện tích nuôi thủy sản năm 2020 đạt 10.865ha. Diện tích chuyên nuôi đạt 5.350ha, trong đó nuôi thâm canh đạt 2.026ha; diện tích nuôi tại các hồ chứa và ruộng 1 vụ đạt 5.515ha, trong đó diện tích mặt nước lớn chiếm 2.315ha, diện tích ruộng 1 vụ chiếm 3.200ha. Tổng số lồng nuôi cá trên các sông, hồ, đập đạt 1.832 lồng. So với năm 2019, diện tích nuôi thâm canh đã tăng thêm gần 300ha. Toàn tỉnh có gần 200 trang trại và 7 hợp tác xã chuyên canh về thủy sản với quy mô trên 1.400 nghìn ha, chiếm gần 60% diện tích nuôi thâm canh toàn tỉnh. Tuy nhiên những năm gần đây, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp làm thay đổi mực nước sông, hạn hán bất thường liên tục xảy ra, lũ lụt không theo quy luật, đặc biệt nhiệt độ không khí ngày càng tăng cao, tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Do ảnh hưởng của thiên tai, cuối tháng 7 năm 2017 khiến cho người nuôi cá lồng ở các xã ven sông Đà thuộc huyện Thanh Thủy bị thiệt hại nặng nề.

Do ảnh hưởng của thiên tai, cuối tháng 7 năm 2017 khiến cho người nuôi cá lồng ở các xã ven sông Đà thuộc huyện Thanh Thủy bị thiệt hại nặng nề.

Ảnh hưởng của thiên tai

Bắt đầu từ năm 2011, nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, mạnh, giúp nhiều hộ dân tiệm cận với giấc mơ “tỷ phú”, đặc biệt là ở các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Đoan Hùng… Thời kỳ cao điểm, toàn tỉnh có khoảng 2.000 lồng nuôi các loại cá như trắm đen, lăng chấm, diêu hồng, trắm cỏ, chép…
Đến tháng 9/2014, trận lũ đột ngột xảy ra trên sông Bứa đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi cá lồng ở xã Quang Húc, huyện Tam Nông. 136/160 lồng cá bị tàn phá, 374 tấn cá chuẩn bị đến thời gian xuất bán bị chết trắng, thiệt hại lên đến trên 30 tỷ đồng khiến nhiều hộ lâm vào cảnh “trắng tay”. Trong các năm tiếp theo, cũng do ảnh hưởng bởi thiên tai khiến cho nghề nuôi cá lồng ở xã Quang Húc giảm mạnh, tổng số lồng chỉ còn khoảng gần 50% so với thời kỳ phát triển mạnh nhất. Trong năm 2017, toàn tỉnh có 981 ha nuôi, 761 lồng cá bị ảnh hưởng bởi thiên tai và các hồ thủy điện mở cửa xả, thiệt hại sản lượng trên 1.000 tấn, trong đó huyện Thanh Thủy bị ảnh hưởng nặng nhất với 417 lồng cá trên sông Đà bị mất trắng với gần 410 tấn cá chết, thiệt hại lên đến trên 40 tỷ đồng. Trong các năm tiếp theo cũng thường xuyên xảy ra thiên tai khiến nghề nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề.Năm 2020, chỉ tính một đợt mưa lớn trong tháng 9/2020 toàn tỉnh đã có gần 1.000ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng, trong đó thiệt hại nặng trên 623 ha; 62 lồng cá trên sông Đà bị ảnh hưởng do hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến thiệt hại hơn 920 tấn cá các loại.Ông Thiều Minh Thế - Giám đốc HTX cá lồng Thanh Thủy cho biết: Trước đây, nghề nuôi cá lồng ở Thanh Thủy phát triển rất mạnh, chỉ riêng HTX cá lồng Thanh Thủy đã có 31 hộ tham gia với trên 341 lồng cá. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong nhiều năm, nhiều hộ đã không còn trụ nổi với nghề. Đến nay, toàn HTX chỉ còn hơn chục hộ nuôi với tổng số lồng giảm chỉ còn bằng 1/3 trước kia.Tác động của biến đổi khí hậu khiến phát triển thủy sản bị ảnh hưởng, dẫn đến khó khăn trong liên kết sản xuất theo chuỗi và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo nhận định của các chuyên gia Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm tiếp theo, mực nước trên các sông không ổn định do tác động mạnh của thời tiết sẽ dẫn đến sản lượng thủy sản khai thác biến động. Đặc biệt, những năm gần đây, tình trạng mưa lớn, trong đó có mưa cục bộ ở nhiều khu vực vượt mốc lịch sử, hiện tượng mưa trái mùa như mưa sớm hơn và mưa muộn cuối vụ sau khi các hồ chứa đã tích đầy nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển sản xuất. Biến đổi khí hậu làm cho tình trạng lũ lụt gia tăng và hạn hán ngày càng khắc nghiệt.
Cần có giải pháp ứng phó

Một số mô hình phát triển thủy sản ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai trên địa bàn tỉnh và đạt được thành công, đặc biệt là mô hình nuôi cá “sông trong ao”. Năm 2016, anh Đặng Văn Dũng (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) được chuyên gia giới thiệu về công nghệ nuôi cá “sông trong ao” và nhận thấy mô hình này có nhiều ưu điểm nên đã đầu tư gần 150 triệu đồng để xây thí điểm 1 bể rộng 125m2, thả gần 20.000 con cá giống, mật độ cao gấp đôi so với nuôi cá truyền thống. Đợt thu hoạch đầu tiên, gia đình anh thu gần 25 tấn cá trắm, cá chép, năng suất gấp 3 lần so với trước, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Anh Dũng cho biết: “Cách nuôi này hiệu quả gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Nguồn nước luôn được lưu thông, cá ít dịch bệnh nên tỉ lệ chết chỉ còn 5%, giảm tổn thất, tăng hiệu quả kinh tế”.
Thấy được hiệu quả của loại hình nuôi thủy sản này, hiện toàn tỉnh đã nhân rộng mô hình nuôi cá “sông trong ao” ra một số địa phương khác. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Để ngành Thủy sản của tỉnh phát triển bền vững, thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ người nuôi, trong đó chú trọng quy hoạch chi tiết đối với từng địa phương và phổ cập kỹ thuật chăn nuôi thủy sản cho người dân. Kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp đầu tư mở rộng sản xuất. Chỉ đạo các huyện, thành, thị phát triển sản xuất theo quy hoạch thành khu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung; kiểm soát, hướng dẫn người dân nuôi cá lồng trên sông Đà, sông Lô, sông Bứa, sông Chảy chuyển đổi có hiệu quả cơ cấu giống và thời vụ nuôi đảm bảo, thích ứng với hoạt động xả lũ các hồ thủy điện phía thượng nguồn. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng thu hút doanh nghiệp; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định”.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202105/phat-trien-thuy-san-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-176925