Phát triển TP Cần Thơ là Trung tâm động lực khoa học công nghệ
Ngày 30/10, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Tầm nhìn 2045 với chủ đề 'Khoa học và Công nghệ - Động lực cho đổi mới và phát triển bền vững' (SDMD 2022).
Trong diễn đàn, các đại biểu trao đổi, thảo luận tập trung 5 lĩnh vực chính, gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa ĐBSCL; Phát triển nông nghiệp và thủy sản công nghệ cao ĐBSCL; Phát triển kinh tế biển – Kinh tế tuần hoàn; Môi trường – Tài nguyên thiên nhiên – Biến đổi khí hậu; Phát triển chuyển đổi số.
Theo GS. TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của quốc gia và có vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông, thủy sản cho thị trường thế giới. Tuy nhiên ĐBSCL cũng đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu. Vì vậy, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với Biến đổi khí hậu được ban hành, nhằm định hướng và đưa ra hệ thống giải pháp tổng thể, cùng với những nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, nhằm đưa ĐBSCL phát triển toàn diện, bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ nét.
Tại diễn đàn, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tham gia phát biểu chủ đề “Phát triển TP Cần Thơ là Trung tâm động lực khoa học công nghệ và Liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL”.
Ông Trần Việt Trường cho biết, quan điểm xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành TP trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TP đã có các định hướng phát triển mang tính đột phá, trong đó có đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tập trung thực hiện liên kết, sản xuất, chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL.
Để đạt được mục tiêu này, TP tập trung những định hướng đầu tư phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ trên cơ sở đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao Cần Thơ, Sàn giao dịch công nghệ, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của vùng ĐBSCL.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ của TP và vùng ĐBSCL thông qua các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ. Đặc biệt, chú trọng kết nối hiệu quả giữa các viện, trường, trung tâm nghiên cứu với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, TP đang triển khai thủ tục lập quy hoạch và xây dựng Khu công nghệ cao Cần Thơ, Khu công nghệ thông tin, Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Khu công nghiệp Ô Môn và 03 khu nông nghiệp công nghệ cao cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư.
UBND TP Cần Thơ cũng khẩn trương hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Dịp này, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Ký kết hợp tác với các Tổ chức, Doanh nghiệp và Viện – Trường trong nước và quốc tế; đồng thời Triễn lãm trưng bày các sản phẩm khoa học, công nghệ của Trường. Ngoài ra, Trường cũng tổ chức cho đại biểu tham dự tham quan một số mô hình nông nghiệp – công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (Công ty thủy sản Lộc Kim Chi, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, tỉnh Kiên Giang; Tập doàn thủy sản Việt Úc, Điện gió Bạc Liêu).
Sáng cùng ngày, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức khánh thành công trình “Khu phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu” và “Tòa nhà công nghệ cao” thuộc dự án ODA “Nâng cấp trường ĐHCT” từ nguồn vốn vay 105,9 triệu đô la Mỹ của Chính phủ Nhật Bản.