Phát triển TP.HCM rất cần sự góp sức, góp ý của nhân dân
'Định hướng phát triển kinh tế TP.HCM phải xác định địa bàn phát triển đô thị, tổ chức bộ máy, lực lượng con người để thực hiện' là 3 vấn đề cần tập trung thời gian tới được Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nêu lên tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu MTTQ TP.HCM lần thứ XII diễn ra ngày 3/10.
Hiến kế phát triển Thành phố
Nhiều nội dung được Chủ tịch UBND TP đặt ra với Mặt trận các cấp và các tầng lớp nhân dân TP.HCM để tiếp tục góp ý, xác định đúng định hướng, có giải pháp phù hợp triển khai trong thời gian tới.
Để đạt mức tăng trưởng của TP năm nay là 7,5% và năm sau là 8,5%, UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 12 gồm 7 nhóm giải pháp: đầu tư, đẩy mạnh đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư nhân; tiêu dùng, xuất khẩu; những động lực mới về kinh tế số, kinh tế xanh, một số ngành mới để tạo tiền đề tăng trưởng sắp tới và rất quan trọng là giải quyết khó khăn vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính để giải phóng năng lực tăng trưởng và phát triển.
Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội TP giai đoạn 2026-2030, ông Phan Văn Mãi cho biết: TP.HCM định hướng xây dựng TP toàn cầu theo tiêu chuẩn quốc tế gồm 6 tiêu chí lớn, đang rà soát để xây dựng và đạt được; TP có vị thế nổi trội ở khu vực và TP giàu bản sắc, phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm.
Mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5 - 9%/năm trong giai đoạn 2021-2030; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 12.300-12.700 USD, chạm ngưỡng thu nhập cao theo chuẩn của Liên hợp quốc.
Tầm nhìn đến 2050, TP.HCM đề ra 5 chiến lược cụ thể hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị gồm: phát triển kinh tế, đô thị, văn hóa con người, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và xây dựng Thành phố trở thành trung tâm của vùng, động lực kinh tế của cả nước, đại diện của Việt Nam trong hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Về các nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh cần hoàn thiện thể chế và năng lực thực thi thể chế chính sách, cũng như cơ cấu lại nền kinh tế.
"Thời gian vừa qua, rất nhiều vướng mắc của người dân và doanh nghiệp, có dự án, có tiền nhưng không giải ngân được do năng lực hấp thụ vốn và năng lực thực thi. Thứ hai là phải cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực nhưng tái cơ cấu nội ngành và theo hướng công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao. Công nghiệp thì phải là công nghiệp số, công nghệ cao; dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao; nông nghiệp dù tỷ trọng thấp nhưng phải giữ vai trò rất quan trọng trong chuỗi nông nghiệp" - ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.
Bên cạnh đó, cần phải cấu trúc lại các vùng đô thị để tạo không gian phát triển thực sự. Thời gian qua, TP.HCM phát triển dồn vào đô thị trung tâm nên phải giải quyết nhiều vấn đề về giao thông, môi trường, chi phí thời gian, văn hóa-xã hội, con người, an ninh quốc phòng, đối ngoại…
Về mô hình đô thị, bên cạnh đô thị trung tâm đã có đô thị phía Đông là Thủ Đức với khoảng 3 triệu dân đang bắt đầu có cơ chế phát triển nhanh, chắc chắn có đóng góp rất quan trọng cho TP.HCM; sắp tới phải có đô thị phía Tây (Bình Chánh, Bình Tân), phía bắc (Củ Chi, Hóc Môn), phía Nam (Quận 7, Nhà Bè). Từ đây đến 2030, Thành phố tập trung xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để triển khai các vùng, vẫn giữ ổn định đơn vị hành chính đến năm 2030.
Diễn đàn-sáng kiến nhân dân
Đối với Ủy ban MTTQ TP.HCM, ông Phan Văn Mãi kiến nghị 3 vấn đề. Thứ nhất là làm sao để việc góp ý, góp sức của người dân trong quá trình phát triển TP gần với kế hoạch triển khai của chính quyền. Do đó nên có một “Diễn đàn nhân dân” định kỳ hàng quý hay hàng tháng bàn các vấn đề của TP, góp ý về điều hành của chính quyền, cả HĐND và UBND.
"MTTQ nên vận hành chương trình gọi là “Sáng kiến nhân dân xây dựng TP”, như một kế hoạch có giải pháp, có người tiếp nhận, phân nhóm, giao chính quyền tổ chức thực hiện và có báo cáo đinh kỳ. Nếu một tháng có 10 việc được tiếp nhận và thực thi thì 1 năm sẽ có hàng trăm việc, năm này sang năm khác sẽ có nhiều việc để TP phát triển hơn, văn minh hơn. Việc đóng góp trực tiếp vào các công trình, dự án lớn của TP như: Vành đai 4, đường sắt đô thị… thì TP có cơ chế phát hành trái phiếu, bà con nhân dân mua trái phiếu có thể lãi thấp hơn nhưng đóng góp xây dựng Thành phố. Tôi nghĩ với sức dân chắc chắn chúng ta sẽ làm được việc hết sức lớn lao này" - ông Mãi nói.
Tại phiên bế mạc, Đại hội đại biểu MTTQ TP.HCM lần thứ XII nhiệm kỳ 2024-2029 đã thông qua Nghị quyết thống nhất phương hướng, mục tiêu chung và 5 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện trong nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Theo đó hàng năm, phấn đấu 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, mỗi khu dân cư có ít nhất 1 công trình hoặc phần việc thiết thực phục vụ cộng đồng; phấn đấu trên 50% khu dân cư tổ chức lễ hội văn hóa hướng đến mục tiêu của dân, do dân, vì dân và các phần việc, công trình phát huy tình làng nghĩa xóm.
Quỹ “Vì người nghèo” phấn đấu vận động đạt 650 tỷ đồng, Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” đạt 200 tỷ đồng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, chăm lo quân, dân ở vùng biển, hải đảo, biên giới và công tác hậu phương quân đội. Đồng thời phối hợp xây dựng 50% khu dân cư trở lên được công nhận khu dân cư “Đoàn kết, nghĩa tình, tự quản”.
Tham dự Đại hội, Linh mục Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM bày tỏ: "Trong những năm qua, đất nước của chúng ta xảy ra nhiều chuyện. Đợt dịch COVID-19 đã qua và trong đợt bão Yagi vừa rồi xảy ra tại miền Bắc cũng thể hiện một tinh thần đại đoàn kết dân tộc, hướng tới mục tiêu chung là nâng đỡ con người. Trong tình hình đó thì khối đại đoàn kết dân tộc thể hiện trong Đại hội này cũng hướng đến một mục tiêu, đó là quê hương, dân tộc, đất nước phát triển, trên nền tảng xây dựng tình người và xây đắp tình quê hương đất nước thật là vững chắc trên mọi nẻo đường được Đảng và Nhà nước hướng dẫn".
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029 thống nhất xây dựng và triển khai thực hiện 02 Đề án, 01 Công trình, 01 Chương trình trọng điểm, gồm:
- Đề án số 06-ĐA/TU ngày 20/8/2021 về “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam Thành phố và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030” (giai đoạn 2).
- Đề án “Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động Ban công tác Mặt trận trong tình hình mới”.
- Công trình “Vì Thành phố thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư”.
- Chương trình “Chung sức - Vì Thành phố nghĩa tình, bao dung, phát triển”.