Phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam: Một số tồn tại cần khắc phục
Việt Nam đã có các quy định cơ bản về trái phiếu xanh, song việc thiết lập khung khổ pháp lý xoay quanh trái phiếu xanh vẫn tồn tại các hạn chế cần hoàn thiện.
Hiện nay, thị trường trái phiếu xanh đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Theo Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay liên quan đến vấn đề pháp lý của thị trường trái phiếu xanh vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện.
Liên quan đến hoạt động phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Nam (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS) đã đưa ra những quan điểm, góc nhìn về vấn đề này.
Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập khung khổ trái phiếu xanh như thế nào?
Ông Nam đã tham khảo khung khổ trái phiếu xanh tại EU và có góc nhìn khá đa chiều. EU đã thiết lập khung khổ trái phiếu xanh NextGenerationEU dựa trên những nguyên tắc của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA). Đây được xem là cam kết của Ủy ban châu Âu (EC) trong việc xác nhận định hướng phát triển tài chính bền vững của các quốc gia thành viên.
Nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh được sử dụng cho các dự án với 9 hạng mục có trong danh sách. Quy trình đánh giá, lựa chọn phân bổ chi tiêu cho các dự án được xác định dựa trên chi phí liên quan đến khí hậu theo Kế hoạch Tái lập và Phục hồi (RRP), điều kiện đủ cho mỗi dự án ít nhất 37% giá trị của RRP phải được đầu tư vào các biện pháp chống biến đổi khí hậu. EC sẽ theo dõi và quản lý các khoản chi tiêu liên quan.
Tiêu chí về trái phiếu xanh tại EU được xem xét 2 hệ số: hệ số khí hậu và hệ số môi trường, đánh giá theo 3 mức độ là 0%, 40% và 100%. Trong trường hợp hệ số khí hậu dưới 37% (tức 0%), thì dự án xem như không đủ điều kiện. Trường hợp hệ số khí hậu trên 37% (40% hoặc 100%), thì xem xét các trường hợp cụ thể.
Nếu hệ số khí hậu là 40%, thì EC tài trợ thông qua trái phiếu xanh chỉ 40% tổng chi tiêu dự án RRP; khi hệ số khí hậu đạt 100%, thì dự án đủ điều kiện trái phiếu xanh 100%; trường hợp dự án đạt 40% hệ số khí hậu và 100% hệ số môi trường, dự án được coi là đủ điều kiện trái phiếu xanh 100%.
Trong trường hợp, nếu EC cho rằng, các khoản đầu tư của trái phiếu xanh cho thấy tác động môi trường là chưa được chứng minh đầy đủ, thì dự án sẽ chỉ được tài trợ phù hợp với hệ số khí hậu là 40%.
Ngoài ra, EC sử dụng 2 báo cáo để cho biết tiền đã được phân bổ, tiền thu được chưa phân bổ, tái cấp vốn hay đồng tài trợ trong báo cáo phân bổ và thành tựu đạt được trong báo cáo tác động.
Ngày 16/12/2022, EC công bố báo cáo phân bổ đầu tiên về trái phiếu xanh NextGenerationEU. Báo cáo thống kê về chi phí sử dụng cho 9 hạng mục từ 11 quốc gia thành viên, gồm Bulgaria, Croatia, Síp, Pháp, Hy Lạp, Ý, Latvia, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia và Tây Ban Nha về các khoản chi đủ điều kiện nhận tài trợ từ trái phiếu xanh. Trong đó, Bulgari, Latvia, Slovakia và Romania chưa phát sinh chi phí đủ điều kiện.
Về thẩm quyền, EC thực hiện kiểm toán trước và sau các khoản cấp tài trợ dự án, kiểm toán đối với hệ thống giám sát của các quốc gia thành viên dựa trên mức độ rủi ro về việc hoàn thành các mốc mục tiêu liên quan đến khí hậu mà dự án đặt ra trong RRP.
EC cũng sẽ thiết lập khuôn khổ kiểm soát và thủ tục đánh giá trái phiếu xanh, đảm bảo không có trái phiếu xanh của doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hình thành từ hạt nhân hoặc khí đốt. Trường hợp vi phạm, EC có quyền quyết định loại dự án bị loại khỏi danh sách tài trợ.
Một số vấn đề phát triển trái phiếu xanh ở Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đã có các quy định cơ bản về trái phiếu xanh. Tuy nhiên, việc thiết lập khung khổ pháp lý vẫn một số tồn tại cần sớm hoàn thiện.
Năm 2022, Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF). ICMA là một trong những đối tác của ACMF, nhưng đến nay, chưa có doanh nghiệp chính thức nào tại Việt Nam là thành viên của ICMA.
Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh trên thị trường còn rất khiêm tốn. Tháng 7/2022, EVNFinance là doanh nghiệp đầu tiên tại thị trường Việt Nam phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế của ICMA. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 1.725 tỷ đồng, lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm, đơn vị tư vấn phát hành là VCBS và đơn vị bảo lãnh là GuarantCo.
Nghị định 08/2022/NĐ-CP cũng quy quy định, chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng các ưu đãi về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán. Đối với dự án đầu tư công, chủ thể phát hành được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện.
Điều đáng nói, việc hỗ trợ này chưa kích thích được tổ chức phát hành trái phiếu xanh, bởi chi phí giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán không đáng kể. Trong khi đó, để được tài trợ vốn, chủ dự án xanh phải chứng minh với nhiều thủ tục rườm rà.
Thiết nghĩ, Chính phủ và cơ quan, ban, ngành nên xây dựng thêm những chính sách có tác động ngay đến doanh nghiệp, như chính sách thuế, chính sách hải quan, chính sách vay vốn ngân hàng… nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn hơn nữa hoạt động phát hành trái phiếu xanh.
Liên quan đến việc thiết lập khung khổ trái phiếu xanh tại Việt Nam. Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của EU trong quá trình thẩm định dự án; xây dựng các tiêu chí về trái phiếu xanh dựa trên đánh giá hệ số khí hậu và hệ số môi trường của dự án. Các cơ quan, ban, ngành thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo (báo cáo phân bổ và báo cáo tác động). Việc khuyến khích các doanh nghiệp chủ động thực hiện báo cáo trái phiếu xanh cũng là cần quan tâm hơn nữa.
Luật Chứng khoán hiện hành cần bổ sung khái niệm, cơ chế, quy trình và chính sách hoạt động trái phiếu xanh. Việc thiết lập khung khổ trái phiếu xanh có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm đầu tư xanh, tạo cơ sở thu hút, tiếp cận nhiều nhà đầu tư, các tổ chức đầu tư và quỹ đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính vào Việt Nam. Nhà đầu tư có thể lựa chọn sản phẩm đầu tư trong danh mục, cân đối rủi ro trên thị trường.
Về việc bảo vệ thị trường, bảo vệ nhà đầu tư, Việt Nam cần nâng cao vai trò của các cơ quan có thẩm quyền như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các dự án phát hành trái phiếu xanh.
Đặc biệt, việc phát triển sàn giao dịch điện tử trái phiếu cũng là một phương án được nhiều quốc gia lựa chọn để tạo thanh khoản, tăng tính minh bạch và đảm bảo thuận lợi trong việc quản lý thị trường.