Phát triển trí tuệ nhân tạo phải lấy lợi ích quốc gia và người dân làm trung tâm

Tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo - AI4VN 2024 với chủ đề 'Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh' vừa diễn ra tại Hà Nội, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó thủ tướng Chính phủ (nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang) cho biết, Việt Nam luôn khẳng định, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, người dân làm trung tâm, không được lạm dụng công nghệ để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp này.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trong những công nghệ chủ chốt của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thế giới và cuộc sống của nhân loại. AI đang được thúc đẩy phát triển rất mạnh mẽ tại nhiều quốc gia với tiềm năng ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, nhận thức được tầm quan trọng của AI, thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ AI.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang phát biểu tại sự kiện.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang phát biểu tại sự kiện.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN.

Sau 3 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu đáng được khích lệ. Công nghệ AI đang góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Trên thực tế, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của AI cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị không chỉ tại Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới. "Việt Nam luôn khẳng định, việc phát triển và ứng dụng AI phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, người dân làm trung tâm, không được lạm dụng công nghệ để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp này", Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Thông qua AI4VN 2024, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang đề nghị tất cả cùng hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các sáng kiến, giải pháp về xây dựng chính sách và quản lý, các kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng về AI, kinh nghiệm trong việc hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao để góp phần thúc đẩy việc phát triển hệ sinh thái AI bền vững tại Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương liên quan đã chủ động xây dựng, hoàn thiện các quy định, văn bản hướng dẫn, tổ chức các hội thảo, hội nghị về quản trị, nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực xây dựng hơn 10 chương trình đào tạo chuyên biệt về AI và hoan nghênh một số tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư nghiên cứu phát triển một số sản phẩm AI phục vụ cho cuộc sống, đặc biệt là các sản phẩm dựa trên nguồn dữ liệu và tri thức đặc thù của Việt Nam. Ông đề nghị, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, đầu tư, phát triển, cung cấp sản phẩm AI để phục vụ đời sống của mọi người.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ tại ngày hội.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ tại ngày hội.

Phát triển AI có trách nhiệm đang được các quốc gia, các tổ chức quốc tế quan tâm

Tại AI4VN 2024, các diễn giả đề cập tới những tiến bộ mới nhất trong AI, từ việc tối ưu hóa quy trình công việc đến việc phát triển các giải pháp sáng tạo cho những vấn đề phức tạp... Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy, AI đang tăng trưởng vượt bậc và nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, nhiều cơ quan và doanh nghiệp đã chứng kiến các thành tựu của công nghệ này.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy hy vọng, AI4VN có thể giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam tìm kiếm được giải pháp áp dụng AI vào cuộc sống, cũng như cơ hội có thể kết nối với các tổ chức quốc tế, tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp.

Thời gian qua, Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho phát triển AI ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển của AI không chỉ mở ra cơ hội mới mà còn đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị. Vấn đề về đạo đức AI, phát triển AI có trách nhiệm đang được các quốc gia, các tổ chức quốc tế quan tâm và thảo luận sôi nổi.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại AI4VN.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại AI4VN.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 (Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26-1-2021), trong đó nêu rõ định hướng phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, triển khai định hướng này, Bộ KH&CN đã có Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN ngày 11-6-2024 hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI có trách nhiệm. Đây là văn bản đầu tiên ở Việt Nam nêu ra một số nguyên tắc chung cần chú ý trong nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI có trách nhiệm và khuyến nghị các tổ chức, đơn vị, cá nhân tự nguyện tham khảo, áp dụng trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, phát triển cung cấp các hệ thống AI. Thứ trưởng mong muốn, AI4VN có thể góp phần phát triển hệ sinh thái AI bền vững, đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển AI tại khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ tại ngày hội, bà Reneé Deschamps, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam nhấn mạnh, mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, nhất là trong việc nâng tầm quan hệ chiến lược toàn diện gần đây, phản ánh tham vọng và cam kết của hai quốc gia ở nhiều lĩnh vực, trong đó, khoa học, sáng tạo là trọng tâm. Theo bà Reneé Deschamps, Việt Nam đang ở trong một giai đoạn quan trọng, đó là chuyển đổi số. Hiện AI không chỉ giúp thay đổi đời sống mà còn mở rộng hơn nữa cơ hội phát triển.

Còn ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, sự tiến bộ nhanh chóng của AI đã mang đến những thay đổi nhanh chóng cho cuộc sống nhưng cũng không ít thách thức. Các sản phẩm AI được sử dụng trong việc tạo sinh trong ngành y tế, ngân hàng, doanh nghiệp... Ông Jonathan Wallace Baker chia sẻ rất vui mừng vì Bộ KH&CN đã khuyến nghị việc sử dụng AI có đạo đức. Trong thời gian tới, ông mong muốn mọi người sẽ được lắng nghe nhiều hơn nữa về kết quả về việc sử dụng AI thật hữu ích.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phat-trien-tri-tue-nhan-tao-phai-lay-loi-ich-quoc-gia-va-nguoi-dan-lam-trung-tam-5020010.html