Phát triển trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu để gỡ nút thắt ngành dệt may, da giày

Với việc phát triển trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu tại Việt Nam, ngành dệt may và da giày có thể giải quyết được vấn đề truy xuất nguồn gốc, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này ra thế giới.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2024 với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo” sáng 29/7, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho biết, nửa đầu năm 2024, ngành da giày, túi xách đã mang về 12,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

“Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến ngành có thể đạt 26 - 27 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2024,” bà Xuân cho biết.

Trong số những thách thức của ngành hàng xuất khẩu quan trọng này, đại diện Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho rằng, nút thắt của ngành dệt may và da giày hiện nay là vấn đề nguyên phụ liệu. "Muốn chủ động nguồn cung, tránh phụ thuộc bên ngoài thì phải chủ động được khâu nguyên liệu trong sản xuất," bà Xuân phân tích.

Để giải quyết thực trạng trên, cả hai ngành dệt may và da giày đều đã có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị việc phát triển một trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu tại Việt Nam để giải quyết nút thắt hiện nay. Hơn nữa, với việc hình thành trung tâm giao dịch này, theo bà Xuân có thể đồng thời giải quyết được cả vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm vốn đang đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện nay, các thị trường lớn như EU, Mỹ đều đã áp dụng các đạo luật như EUDR yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nguyên phụ liệu trong chuỗi cung ứng. Sắp tới các thị trường xuất khẩu quan trọng này của Việt Nam cũng sẽ thực thi một loạt đạo luật liên quan tới vấn đề đảm bảo sinh thái bền vững liên quan đến sản phẩm nhập khẩu. Trong đó, nguyên phụ liệu nhập khẩu có trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày... cũng sẽ bị truy xuất nguồn gốc.

Theo Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, nếu kiểm soát được vấn đề trên thì hoạt động xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam nói chung và của riêng ngành may mặc, da giày sẽ thuận lợi hơn.

Cũng tại hội nghị giao ban trên, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, năm 2024 dự báo tình hình phục hồi sản xuất công nghiệp chung, trong đó có dệt may, da giày, sẽ vẫn còn nhiều thách thức nên cần có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất và các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.

Để lấy lại đà tăng trưởng cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, địa phương tiếp tục có biện pháp tích cực hơn trong việc hỗ trợ sản xuất công nghiệp. Đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng tồn kho.

Theo đại diện Cục Công nghiệp, các địa phương cần khẩn trương có chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp chế biến, chế tạo để doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ. Các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Hoàng Long (giữa) và các đại diện Bộ Công Thương tại hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Hoàng Long (giữa) và các đại diện Bộ Công Thương tại hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Cục Công nghiệp sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ôtô, cơ khí, thép… Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phat-trien-trung-tam-giao-dich-nguyen-phu-lieu-de-go-nut-that-nganh-det-may-da-giay-31751.html