Phát triển trung tâm logistics xứng tầm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Trong giai đoạn mới, Bình Dương xác định phát triển dịch vụ logistics là nền tảng để thu hút đầu tư chất lượng cao, thúc đẩy liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Con đường lớn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nội dung phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Tây Ninh được chú trọng.
Đại diện các DN tham quan triển lãm Logistics 2024 tại Bình Dương
Trao đổi với cũng chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, Bình Dương xác định logistics là ngành kinh tế trọng điểm trong chiến lược phát triển với định hướng trở thành trung tâm logistics vệ tinh, phục vụ cho các khu công nghiệp trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, mục tiêu năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Bình Dương tập trung xây dựng hạ tầng logistics theo hướng hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng lớn, đồng thời góp phần giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN). Bình Dương đang hoàn thiện các tuyến đường huyết mạch kết nối với vùng Đông Nam bộ theo hướng kết nối về cảng biển sân bay quốc tế như sân bay Long Thành, cảng Cái mép – Thị Vải hay một số phân đoạn trên đìa bàn Bình Dương thuộc tuyến Vành Đai 3, Vành Đai 4, tuyến cao tốc Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh ở phía Bắc…
“Ngoài ra, theo dự thảo quy hoạch, để đa dạng hóa loại hình giao thông, hệ thống đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa cần được nghiên cứu đầu tư nhằm hoàn thiện chuỗi logistic phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Với lợi thế có ga Dĩ An là ga trung tâm kết nối vận chuyển hàng hóa của vùng, Dĩ An sẽ là đầu mối hậu cần, trở thành trung tâm về logistic đường sắt của vùng, kết nối trực tiếp đến cảng biển và sân bay quốc tế, và hệ thống đường sắt Bắc Nam, trở thành trung tâm hậu cần cho toàn vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên và Tây Nam bộ, kết nối vào hạ tầng vận chuyển đường sắt quốc gia”, ông Nguyễn Thanh Toàn chia sẻ.
Con đường phía trước của dịch vụ logistics tại Bình Dương có thể coi là đầy triển vọng và hứa hẹn. Bình Dương đã nhanh chóng xác định dịch vụ logistics làm nền tảng để thu hút đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế, khát vọng trở thành trung tâm logistics khu vực phía Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, tỉnh đã kịp thời thúc đẩy nhanh và tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển các phương thức vận tải xuyên biên giới, khuyến khích ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương cho biết: “Bình Dương xem logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2050. Các DN trong Hiệp hội Logistics Bình Dương đang phát triển logistics hướng đến liên kết vùng, định hướng Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; đưa dịch vụ logistics trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.”
Các DN tối ưu hóa nguồn lực, chuyển đổi số hạ giá thành Logistics. Trong ảnh: Cảng An Sơn (TP.Thuận An)
Xanh hóa quy trình
Với hướng đi của mình và đóng góp của các DN trong những năm qua, Bình Dương đang hướng tới phát triển hệ sinh thái logistics xanh, bền vững. Việc chuyển đổi logistics sang hướng xanh trở thành một yêu cầu không thể bỏ qua trong bối cảnh toàn cầu hóa đang hướng tới sự phát triển bền vững.
Bà Đỗ Thu Hường, Phó Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho hay, Tổng Công ty Tân Cảng tập trung phát triển hệ sinh thái tích hợp cảng và logistics cùng ứng dụng kết hợp hệ sinh thái số. Trong đó, Tổng Công ty tập trung nhóm giải pháp hướng đến giải pháp logistics xanh tuyến đường thủy cảng Thạnh Phước- Tân Cảng- Cát Lái và cụm cảng Cái Mép nhằm đẩy mạnh phương thức vận tải xanh tạo thuận tiện cho khách hàng, là cánh tay nối dài đưa cảng đến gần nhà máy khách hàng. Đặc biệt, cảng cạn Tân Cảng - Tân Vạn nằm trong khu vực trung tâm điều phối rỗng cho các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh cung cấp dịch vụ quản lý, khai thác container rỗng, tạo thuận tiện cho các DN trong khu vực, cũng như giảm chi phí cho DN.
Theo lãnh đạo Công ty Frasers Property Vietnam (TP.Thủ Dầu Một), công ty đẩy mạnh hợp tác, thu hút phát triển các dự án đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt trong khuôn khổ chứng chỉ xanh bền vững theo hệ thống đánh giá công trình xanh với định hướng thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường (LEED), phù hợp với các quy chuẩn. Việc chuyển đổi logistics xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu cấp bách trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Quang Sang, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ hàng hóa Phương Nam (TP.Thuận An), các DN logistics Bình Dương cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các DN nhỏ và vừa. Thách thức này bao gồm nhận thức hạn chế về lợi ích dài hạn của logistics xanh, khó khăn trong hạ tầng và chi phí đầu tư ban đầu cao. Để có thể thúc đẩy chuyển đổi logistics xanh, sự hợp tác giữa DN và nhà sản xuất là rất quan trọng. DN cần đầu tư vào công nghệ và quy trình xanh hóa, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và sự sự ủng hộ DN trong sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.
“Các DN tạo mối liên kết giữa logistics với các DN sản xuất, thương mại trên địa bàn và xuất nhập khẩu; định hình và phát triển logistics tại Bình Dương theo hệ sinh thái bền vững; tận dụng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 khai thác tối ưu hiệu quả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực logistics giúp tiết giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường…”.