Phát triển tư tưởng 'tự lập' và 'tự cường' của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là lúc nhân dân ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách: nạn đói kinh hoàng hoành hành; nền kinh tế - tài chính nước nhà kiệt quệ; phải đối phó quân Tưởng, quân Nhật; thực dân Pháp rắp tâm lập lại ách thống trị nhân dân ta... Tình cảnh của dân tộc Việt Nam như 'ngàn cân treo sợi tóc'. Trong bối cảnh ấy, với tư tưởng 'tự lập' và 'tự cường', Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân bảo vệ thành quả cách mạng, tranh thủ thời gian, củng cố nội lực. Từ đó đến nay, tư tưởng, tầm nhìn vĩ đại của Người đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vận dụng sáng tạo, phát triển lên một tầm cao mới.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đón được “tàu mẹ” siêu lớn, chở hàng hóa của Việt Nam đi khắp thế giới và ngược lại. Ảnh: Hải Luận

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đón được “tàu mẹ” siêu lớn, chở hàng hóa của Việt Nam đi khắp thế giới và ngược lại. Ảnh: Hải Luận

Tư tưởng lớn của Chính phủ non trẻ

Ngày 3/9/1945, Bác Hồ đã chủ trì cuộc họp Chính phủ lâm thời đầu tiên, 6 nhiệm vụ cấp bách được Người phác thảo ngắn gọn trên một trang giấy, nhưng thể hiện lòng quyết tâm của một Chính phủ “tự lập”, “tự cường” còn non trẻ: “Các bạn và tôi, chúng ta chưa quen với kỹ thuật hành chính. Điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm...”[1].

Nhiệm vụ của Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh lãnh đạo phải nỗ lực chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm... Bác Hồ phát biểu tại phiên họp Chính phủ đầu tiên: “Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”[2]. Bác đã đích thân gánh thêm nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời, trực tiếp tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng hàng đầu. Qua những hoạt động thực tiễn và tình hình nước nhà, Người đã chỉ ra gốc rễ vấn đề Việt Nam phải thực hiện: “Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”. Tư tưởng này đã trở thành đường nét chủ yếu của “trường phái ngoại giao Việt Nam" được vận hành khi dân tộc bị xâm lăng và cho tới tận ngày nay, mãi mãi sau này.

Đường lối ngoại giao “tự lập”, “tự cường” được gắn chặt với “dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt. Có thể hiểu, “nguyên tắc” bao gồm mục tiêu độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn sách lược thì thiên biến vạn hóa tùy vào tình hình cụ thể, thời điểm cụ thể, vấn đề diễn biến.

Một điều kỳ lạ là 79 năm trước, vào cuối năm 1946, Bác Hồ đã gửi thư cho Liên hợp quốc, trong đó Bác khẳng định: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ thuật của mình.

b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc"[3].

Do hoàn cảnh khách quan, những chủ trương nhìn xa trông rộng xuyên thế kỷ ấy của Bác mới trở thành hiện thực ở nước ta trong thời kỳ đổi mới 40 năm sau đó (1986). Nghiên cứu kỹ về tư tưởng “tự lập” và “tự cường” của Hồ Chí Minh từ khi nước nhà vừa độc lập, gần như “tay trắng”, nhưng Bác Hồ đã phác thảo ra kế hoạch và chủ động kết giao đối tác để mở mang làm ăn với thế giới: “Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế”. Nhìn vào thành tựu hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và tham gia vào các tổ chức quốc tế đa phương của nước ta như hiện nay, có thể thấy được tầm nhìn rộng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến hôm nay, đất nước ta có đủ các loại sân bay quốc tế, cảng biển trung chuyển tầm cỡ quốc tế, mở rộng kinh doanh với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục.

“Chiêng có to tiếng mới lớn”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối phát triển và ngoại giao mang đậm chất Việt Nam: “Phải trông ở thực lực. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng; chiêng có to tiếng mới lớn"[4]. “Thực lực” là gốc rễ và sức mạnh xuyên suốt của dân tộc Việt Nam trải qua. Nếu như không có thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, thì Chính phủ Pháp không chịu ký vào Hiệp định Genève năm 1954 về đình chiến, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Nếu như quân ta không có những tấn công mạnh vào quân Mỹ, liên tục thắng lợi những chiến dịch lớn ở miền Nam Việt Nam và đánh bại đợt tập kích bằng không quân chiến lược B52 vào Hà Nội (1972), thì Chính phủ Mỹ chưa chịu ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Pari năm 1973. “Thực lực” Việt Nam mạnh buộc Chính phủ Mỹ phải ký hiệp định và rút quân khỏi Việt Nam vô điều kiện.

Việt Nam có chính sách tốt, đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Công nghiệp phát triển tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hải Luận

Việt Nam có chính sách tốt, đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Công nghiệp phát triển tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hải Luận

Tóm tắt như vậy để thấy tầm quan trọng căn cốt của tư tưởng “tự lập”, “tự cường”, “thực lực” của chính mình, có ý nghĩa mang tính xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tư tưởng ấy được tiếp tục thể hiện hùng hồn trên các mặt trận quân sự, ngoại giao, kinh tế... Năm 1986, nước ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, vẫn phải “tự lập” và “tự cường” chính mình, từ thay đổi tư duy đổi mới toàn diện đến cơ cấu lại sản xuất, ban hành các quy định pháp luật để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài... Gần 40 năm vận hành con đường đổi mới, nền kinh tế của nước ta đã “chịu” được mọi tác động và đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các nền kinh tế trên thế giới.

Việt Nam từ chỗ phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, nhận viện trợ nước ngoài hàng năm để lo cái ăn cho người dân, nay là quốc gia xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Nước ta nâng mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Australia. Với tình hình quốc tế đầy biến động như hiện nay, khó có quốc gia nào trên thế giới như Việt Nam cùng một lúc có thể ngồi “nói chuyện” phải trái, đàm phán, ký kết làm ăn... với tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế đa phương, cả về kinh tế, ngoại giao, văn hóa, khoa học công nghệ... Được thế giới bầu vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cử quân nhân tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Đất nước ta càng phát triển, càng mở rộng mối quan hệ với thế giới, càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Phải trông ở thực lực. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng; chiêng có to tiếng mới lớn". Cái chiêng của Việt Nam được cả thế giới biết đến và mong muốn được bắt tay để đẩy mạnh “thực lực” của Việt Nam lên tầm cao mới, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển thế giới.

Hải Luận

---------------------------------------

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1995, tập 4, trang 7.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1995, tập 4, trang 8.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1995, tập 4, trang 470.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1995, tập 4, trang 47.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-tu-tuong-tu-lap-va-tu-cuong-cua-chu-tich-ho-chi-minh-trong-thoi-dai-ngay-nay-post479938.html