Phát triển, ứng dụng những giải pháp công nghệ xử lý chất thải toàn diện

Hướng tới việc phát triển và ứng dụng những giải pháp công nghệ xử lý chất thải toàn diện nhất, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ngày 9.12, Bộ KH-CN phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo "Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Thực trạng và giải pháp".

Cần công nghệ xử lý rác hiện đại

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái cho biết chất thải rắn sinh hoạt đã trở thành vấn đề nóng và ngày càng được quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế đã làm cho lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, không chỉ ở các đô thị mà còn ở cả khu vực nông thôn.

"Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường mà còn đặt ra những thách thức về quản lý chất thải và bảo vệ sức khỏe cộng đồng", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đi cùng với sự gia tăng về lượng chất thải rắn sinh hoạt là những vấn đề tìm kiếm và lựa chọn các giải pháp xử lý một cách phù hợp, vừa đảm bảo việc xử lý không gây ô nhiễm môi trường cũng như tận dụng được rác thải như một nguồn tài nguyên.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TTTT

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TTTT

Thứ trưởng cho rằng đây là vấn đề rất được quan tâm, không chỉ trong vùng ĐBSCL mà còn được rất nhiều địa phương quan tâm trong thời gian vừa qua.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, với mật độ các khu dân cư, cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ hình thành ngày càng nhiều đã kéo theo lượng chất thải, rác thải gia tăng nhanh chóng.

Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh hàng ngày phát sinh khoảng 1.000 tấn rác thải. Rác thải phần lớn được thu gom về bãi rác tạm hoặc được chôn lấp và xử lý bằng chế phẩm sinh học, nhằm hạn chế mùi hôi, tăng tốc độ phân hủy.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cho biết phương pháp xử lý cũ hiện không phát huy hiệu quả, ngày càng phát sinh ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Toàn tỉnh chỉ có nhà máy xử lý rác thải Bến Tre có lò đốt rác nhưng từ tháng 10.2022 đã ngưng hoạt động để tái cơ cấu.

Hội thảo do Bộ KH-CN phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức - Ảnh: TTTT

Hội thảo do Bộ KH-CN phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức - Ảnh: TTTT

Hướng tới những giải pháp công nghệ phù hợp với Việt Nam

Liên quan đến nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến trong Chương trình KH-CN KC06/21-30, GS-TS Huỳnh Trung Hải – Chủ nhiệm Chương trình KC06/21-30, Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết Chương trình này có 3 mục tiêu chính.

Thứ nhất, ứng dụng và phát triển được các công nghệ tiên tiến xử lý, tái chế chất thải; quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới.

Thứ hai, phát triển được công nghệ sản xuất, chế tạo thiết bị, phương tiện, sản phẩm phục vụ phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thứ ba, hỗ trợ phát triển sản xuất thiết bị, phương tiện và sản phẩm bảo vệ môi trường quy mô công nghiệp để thay thế nhập khẩu; phát triển doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp môi trường.

Chương trình KH-CN KC06/21-30 hướng tới 3 mục tiêu chính - Ảnh: TTTT

Chương trình KH-CN KC06/21-30 hướng tới 3 mục tiêu chính - Ảnh: TTTT

Đối với vùng ĐBSCL, GS-TS Huỳnh Trung Hải cho biết chất thải rắn sinh hoạt tập trung ở các khu đô thị nhưng lượng phát thải không lớn, cần tính toán kỹ phương án đốt rác phát điện. Chất thải rắn sinh hoạt phần lớn là rác thải hữu cơ; cần phân loại triệt để nhằm có thể tận dụng nguồn chất thải hữu cơ làm phân bón.

Ngoài ra, chất thải nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nên cần đẩy mạnh áp dụng nguyên lý của kinh tế tuần hoàn, gia tăng giá trị cho ngành sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Hải, các giải pháp quản lý cần đi đôi với việc phát triển và áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng và chất thải rắn nói chung…

Tại hội thảo, lãnh đạo Bộ KH-CN cũng cho biết Bộ đã và đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thông qua các chương trình, nhiệm vụ KH-CN.

Thực hiện việc thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư; thẩm định và ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào thực tế.

"Điều này hướng tới việc phát triển và ứng dụng thực tế những giải pháp công nghệ xử lý chất thải toàn diện nhất, phù hợp với điều kiện Việt Nam, vì một tương lai phát triển bền vững, một môi trường lành mạnh cho chúng ta", Thứ trưởng Bộ KH-CN nêu rõ.

Ông Hải cho biết, các sản phẩm của Chương trình KC.06/21-30 sẽ góp phần nâng cao trình độ KH-CN, làm chủ các công nghệ tiên tiến trong việc xử lý ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm hữu ích, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phat-trien-ung-dung-nhung-giai-phap-cong-nghe-xu-ly-chat-thai-toan-dien-210747.html