Phát triển văn hóa: Cần chú trọng đầu tư vào lực lượng sáng tạo, văn nghệ sỹ

Theo các chuyên gia, yếu tố con người bao gồm lực lượng văn nghệ sỹ, nghệ nhân, tri thức dân gian chính là nguồn lực then chốt cho ngành Văn hóa phát triển.

Lực lượng văn nghệ sỹ đóng vai trò then chốt để phát triển văn hóa. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Lực lượng văn nghệ sỹ đóng vai trò then chốt để phát triển văn hóa. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Chỉ đạo về phát triển văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.”

Trên tinh thần đó, các cấp, các ngành đang có nhiều nỗ lực “hiến kế” cho ngành Văn hóa phát triển, một trong số các trọng tâm là xây dựng Công nghiệp Văn hóa, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Văn hóa giai đoạn 2025-2035…

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã trao đổi với các nhà nghiên cứu, thực hành văn hóa để làm rõ hơn quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng để phát triển văn hóa phải chú trọng phát triển con người.

Yếu tố con người làm nên bản sắc

Giáo sư-Tiến sỹ Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng việc xây dựng và ban hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Văn hóa giai đoạn tới thể hiện sự quan tâm, chú trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Đó sẽ là một “cú hích” để ngành văn hóa chuyển mình và đạt được những thành tựu khả quan.

Theo bà Loan, mục tiêu chung của chương trình phải là tạo nên bước chuyển thực sự trong phát triển văn hóa, xây dựng con người, khắc phục được những hạn chế, yếu kém của nền văn hóa Việt Nam, đạt các kết quả tương xứng với mức đầu tư và trình độ phát triển của nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa và phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Bà Loan nhấn mạnh yếu tố con người bao gồm lực lượng văn nghệ sỹ, nghệ nhân, tri thức dân gian chính là nguồn lực then chốt cho ngành Văn hóa phát triển.

“Nhiều hình thức trình diễn dân gian, đặc biệt là sân khấu truyền thống có khả năng giúp thu hút công chúng nước ngoài, định vị bản sắc Việt Nam trên bản đồ văn hóa, du lịch thế giới. Ví dụ, múa rối nước là đặc sắc riêng có của Việt Nam, đã chinh phục bạn bè năm châu, đưa lại ấn tượng về đất nước hình chữ S giàu văn hóa đặc sắc, hay tri thức bản địa đến nay vẫn phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng, như tri thức lao động sản xuất trong nông nghiệp, ngư nghiệp, y học cổ truyền,” bà Loan cho biết.

 Người phụ nữ Khơ Mú trình diễn nghệ thuật cồng chiêng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Người phụ nữ Khơ Mú trình diễn nghệ thuật cồng chiêng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngoài ra, các làng nghề truyền thống cũng là một nguồn lực rất lớn để phát huy tài năng khéo léo, sự sáng tạo của nghệ nhân dân gian; hay ẩm thực truyền thống với nhiều món ăn dân dã cũng được du khách yêu thích.

“Tất cả đều là sức mạnh để quảng bá văn hóa Việt Nam cũng như có thể khai thác để đem lại giá trị kinh tế, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước,” bà Loan nói.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sỹ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũng khẳng định tầm quan trọng của yếu tố con người trong phát triển văn hóa.

“Phát triển các sản phẩm văn hóa có thương hiệu, có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao là trách nhiệm, cũng là quyền lợi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong ngành Văn hóa. Một sản phẩm Công nghiệp Văn hóa đáp ứng được tốt nhu cầu của công chúng và đem lại giá trị khi được xây dựng dựa trên vốn văn hóa, sự sáng tạo của con người, ứng dụng công nghệ và vận hành chuyên nghiệp,” ông Lê Xuân Kiêu nói.

Đãi ngộ nghệ sỹ: Cần bỏ hình thức 'xin-cho'

Vai trò của đội ngũ sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa đã được khẳng định, vậy đãi ngộ văn nghệ sỹ ra sao, khích lệ họ như thế nào thì vẫn đang là trăn trở của xã hội.

 Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long (bìa phải). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long (bìa phải). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long ghi nhận rằng Nhà nước đã có nhiều chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần cho văn nghệ sỹ, nghệ nhân, song như vậy vẫn chưa đủ.

Theo ông Long, việc khen thưởng, tôn vinh văn nghệ sỹ cần dẹp bỏ hình thức “xin-cho” mà cần có những ủy ban độc lập theo dõi, đánh giá quá trình nghiên cứu, thực hành văn hóa, nghệ thuật của văn nghệ sỹ, sau đó ủy ban chủ động lập hồ sơ, đề xuất Nhà nước khen thưởng, công nhận danh hiệu, từ đó có chế độ đãi ngộ đặc biệt.

Ngoài ra, một số nước còn có các quỹ nghệ thuật hoạt động độc lập, khách quan để tài trợ dự án nghiên cứu, thực hành của các văn nghệ sỹ.

Tiến sỹ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ cũng có cùng quan điểm, cho rằng các hiệp hội, ủy ban, tổ chức cần phát huy vai trò “cầm cân nảy mực” đánh giá cống hiến của văn nghệ sỹ một cách khách quan và đề xuất cơ chế đãi ngộ phù hợp.

 Tiến sỹ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ đề xuất tổ chức thêm nhiều giải thưởng và trại sáng tác để cổ vũ những người cầm bút. (Ảnh: NVCC)

Tiến sỹ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ đề xuất tổ chức thêm nhiều giải thưởng và trại sáng tác để cổ vũ những người cầm bút. (Ảnh: NVCC)

“Chúng ta có nhiều hội nghề nghiệp chuyên môn của các nhà văn, nhạc sỹ, nghệ sỹ sân khấu… Tôi cho rằng các đơn vị này cần có cái nhìn bao quát hoạt động, thành quả nghiên cứu, cống hiến của các thành viên để ghi nhận cống hiến của họ một cách xứng đáng,” ông Đỗ Anh Vũ nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Vũ cho rằng ngoài chính sách đãi ngộ về vật chất thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng cần bày tỏ sự quan tâm, thăm hỏi, gần gũi với các văn nghệ sỹ bởi đó là nguồn động viên tinh thần, sự cổ vũ lớn lao đối với họ.

Ngoài ra, các nhà quản lý văn hóa cần đặt niềm tin vào văn nghệ sỹ, để họ thỏa sức sáng tạo trong chuyên môn của mình mà không e ngại rằng liệu tác phẩm của mình có được ghi nhận hay không, đồng thời hỗ trợ văn nghệ sỹ phổ biến “đứa con tinh thần” của mình đến với công chúng.

“Vừa qua, Nhà nước đã quan tâm, tổ chức các diễn đàn, trại sáng tác cho đội ngũ sáng tác trẻ dưới 35 tuổi cũng như các nhà văn lão thành. Tôi cho rằng đó là việc làm có ý nghĩa khuyến khích, động viên các thế hệ người cầm bút. Chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều trại sáng tác cũng như giải thưởng văn học nghệ thuật hơn nữa,” ông Vũ nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-van-hoa-can-chu-trong-dau-tu-vao-luc-luong-sang-tao-van-nghe-sy-post920468.vnp