Phát triển văn hóa đọc là sứ mệnh của ngành giáo dục

Văn hóa đọc phải bắt nguồn từ nhà trường và việc đọc không chỉ giới hạn ở giáo khoa và giáo trình mà cần đọc nhiều ở các thể loại sách khác nhau.

Văn hóa – Khoa học – Giáo dục

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) được thành lập với mục tiêu thúc đẩy hòa bình và an ninh thế giới thông qua hợp tác về giáo dục, khoa học và văn hóa. Ngay ở tên gọi cũng thấy được 3 lĩnh vực này có mối quan hệ và quan trọng, được phần đông thế giới quan tâm.

Văn hóa được cho là tổng thể các hoạt động sống và sáng tạo trong quá khứ và ở hiện tại. Còn khoa học là hệ thống tri thức về các quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy. Văn hóa và khoa học đều cần được truyền bá, phổ biến và chủ yếu là thông qua sách. Nhiệm vụ chính của công tác truyền bá tri thức là từ giáo dục.

Tuy nhiên, cũng rất đáng tiếc, theo Báo Tin tức (TTXVN): “Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới” (1). Vấn đề này cũng từng nêu ra ở nhiều diễn đàn, gây nhiều lo lắng trong một thời gian khá dài và cũng chưa có lời giải căn cơ. Một điều cũng thật đáng buồn là qua trao đổi với thầy cô giáo ở các bậc học khác nhau, cũng không ít người mạnh dạn nói “không mê, không thích và cũng không đọc”. Và dĩ nhiên, giáo viên mà không đọc sách thì khó có thể tin là người thầy tốt để truyền cảm hứng học và cảm hứng đọc cho học sinh.

Trường đại học phát động chương trình hưởng ứng ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 (Ảnh: ued.udn.vn)

Mặt khác, trong xã hội hiện nay, không ít thầy cô giáo cho rằng đã là giáo viên ở một bộ môn nào đó thì chỉ cần giỏi ở lĩnh vực đó, đọc sách chuyên môn là đủ; xem việc không quan tâm đến văn hóa hay các lĩnh vực khoa học khác, mới là “nhất nghệ tinh”.

Có lẽ còn nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng theo tôi, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, nhà giáo cần thiết phải biết nhiều hơn so với một lĩnh vực chuyên môn hẹp, có như vậy mới làm tròn bổn phận với giáo dục và với người học. Để làm được điều đó, nhất thiết phải đọc sách và biết đọc sách! Hay nói cách khác, văn hóa đọc phải bắt nguồn từ nhà trường và việc đọc không chỉ giới hạn ở giáo khoa và giáo trình mà cần đọc nhiều ở các thể loại sách khác nhau.

Sách và văn hóa

Sách có nhiều thể loại như triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật, giải trí… Sách gì cũng giá trị nếu được xuất bản bài bản.

Phần nhiều giáo dục phổ thông trong một thời gian rất dài chỉ tập trung đào luyện kiến thức và phần nhiều là kiến thức khoa học. Quan tâm đến tri thức khoa học là rất cần nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, với Giáo dục ngoài Trí dục, còn cần cả Thể dục, Mỹ dục và Đức dục.

Một dân tộc có nền giáo dục tốt chắc chắn sẽ nâng niu những giá trị truyền thống và mỗi cá nhân trong xã hội ấy luôn sâu sắc trong nhận thức và chín chắn trong hành động.

Mỗi khi bàn đến dân tộc thường người ta nghĩ đến các mối quan hệ chủng tộc, ngôn ngữ hay cộng cư cùng vùng đất… nhưng xét rộng ra có lẽ cơ sở tinh thần mới là cốt lõi của một dân tộc.

Mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, được hình thành và phát triển, đúc rút những giá trị bản sắc. Sứ mệnh của giáo dục là gìn giữ và phát huy những giá trị đó. Có thể nói văn hóa của dân tộc cũng như nguồn gen, còn giáo dục là công việc trồng trọt, chăm sóc… Trên cơ sở nguồn gen ấy, qua thời gian được trồng trọt, chăm sóc và chọn lọc, giống ngày càng tốt hơn. Tiếc thay, lâu nay chúng ta lo cho giáo dục nhiều ở phần trồng trọt, chăm sóc mà chưa quan tâm đúng mức đến gen.

Chúng ta khi thì quá thiên về chữ nghĩa, văn chương, lúc thì đề cao khoa học – công nghệ, kinh tế… Người chuộng phương Đông, người sùng phương Tây. Trong khi nền văn minh Việt cổ của chúng ta thì chưa được chú trọng đúng nghĩa, nhất là trong giáo dục. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến phục hưng văn hóa từ gốc, giống như phục tráng giống cây trồng; rồi từ đó chăm lo đến giáo dục từ căn bản. Để mỗi người con của nước Việt dù ở nơi đâu cũng cùng một cơ sở tinh thần. Tính dân tộc Việt càng mạnh thì càng có cơ hội nối kết, hóa giải sự khác biệt, hòa giải được sự bất đồng từ quá khứ.

Chúng ta học phương Tây về khoa học kĩ thuật, về cách làm kinh tế, nhưng chúng ta cũng cần “đào sâu” nghiên cứu và giáo dục văn hóa bản sắc của người Việt. Có như vậy mới đảm bảo cân bằng và phát triển bền vững và xa hơn là giữ được tính dân tộc Việt bền lâu.

Trên thế giới có 2 dân tộc đáng để soi chiếu, tham khảo và rút ra bài học lớn, đó là Mông Cổ và Do thái. Một đế quốc rộng, mạnh chưa từng có trong lịch sử nhưng mất dần vị thế; một quốc gia hàng ngàn năm không còn đất nhưng vẫn còn dân tộc. Tất cả đều xuất phát từ vấn đề nền tảng văn hóa, cơ sở tinh thần của dân tộc đó. Và đọc sách là cách mà người Do Thái đã làm!

Sách văn hóa và giáo dục

Một dân tộc có văn hóa rất cần phải có một bộ sách văn hóa của dân tộc. Sách văn hóa hay “kinh điển” của một dân tộc cần thẩm đủ các yếu tố căn bản từ văn hóa, tính nhân bản, tính dân gian, tính truyền thống, gợi mở ý tứ giáo dục từ khía cạnh tâm linh dễ dàng tiếp cận ở tất cả các thành phần trong xã hội. Bắt nguồn từ những cuốn sách văn hóa mang tính phổ quát, tiếp đến sẽ là những cuốn sách có tính chất sâu hơn ở những tầng bậc cao như Việt - Nho, triết lí Âm - Dương, Ngũ hành, Dịch học… Nếu người Việt thấu hiểu cơ sở tinh thần trên nền tảng văn hóa Việt sẽ mãi là người Việt dù ở bất cứ đâu và mỗi khi thâm hiểu triết lí sâu xa của nền văn minh Việt có thể thấu hiểu vũ trụ và có khả năng lập thuyết để “tái sinh” tri thức cho nhân loại.

Nếu hàng triệu người Việt đọc sách, am tường văn hóa Việt thì dân tộc Việt sẽ vững mạnh, trường tồn, khi đó dân tộc Việt mới có khả năng ứng biến với bất kì sự tác động từ bên ngoài cho dù đó là yếu tố tự nhiên như biến đổi khí hậu hay yếu tố ngoại bang.

Mặt khác, dù cho công nghệ có phát triển đến đâu cũng đều dựa trên nền tảng tri thức cơ bản với các quy luật tự nhiên và một xã hội cho dù có thế nào cũng đều phải dựa trên nền tảng văn hóa mới đảm bảo tường tồn. Nền văn minh Việt cổ là cả kho tàng tri thức, đảm bảo đủ các yếu tố từ tâm linh, bình dân, nhân bản, khai phóng, được hình thành gắn với điều kiện tự nhiên và được tồn tại qua thời gian, xứng đáng được phục dựng để trở thành bộ sách kinh điển tích hợp cả triết học, văn chương, tâm linh, khoa học, giáo dục… Và để bộ sách ấy đến với tất cả, cần hình thành văn hóa đọc.

Sứ mệnh của ngành giáo dục hôm nay là phải phát triển cho được nền văn hóa đọc. Để đến một ngày nào đó, nhà nào cũng có sách và đọc sách, lúc đó sự hiểu biết của con người sẽ sâu sắc hơn, sống tinh thế hơn và vị tha hơn… Xã hội cũng sẽ yên bình và đất nước cũng sẽ tươi đẹp hơn!

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://baotintuc.vn/goc-nhin/mong-mot-cu-huych-de-co-xa-hoi-doc-sach-20240415223407659.htm

Hướng Sáng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/phat-trien-van-hoa-doc-la-su-menh-cua-nganh-giao-duc-post242208.gd