Phát triển văn hóa đọc từ cơ sở

Mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại phát triển mạnh mẽ, người dân có thêm nhiều hình thức để tiếp nhận các nguồn thông tin, kiến thức, thì những mô hình nhằm phát triển văn hóa đọc như một 'điểm hẹn' quen thuộc của những người yêu sách, báo. Cũng từ đây, nhiều người tin tưởng về sức sống và sự tồn tại khó có thể thay thế của văn hóa đọc - nét đẹp trong đời sống cộng đồng.

“Điểm hẹn” đọc sách trong cộng đồng

Với sự hỗ trợ sách của Thư viện tỉnh, “điểm hẹn” đọc sách tại khu phố 3, phường Long Thủy, thị xã Phước Long hình thành năm 2018. Đến nay, lượng sách dần tăng lên với hơn 3.000 đầu sách; cơ sở vật chất cho phòng đọc cũng được cải thiện đáng kể, không gian thoáng đãng cùng hệ thống bàn ghế, quạt điện tiện nghi. Mô hình này góp phần bồi đắp văn hóa đọc, làm phong phú đời sống tinh thần cộng đồng. Chị Vũ Thị Quyên ở khu phố 3 cho biết: Tủ sách của khu phố rất bổ ích, không những dành cho thế hệ trẻ mà cho tất cả mọi người.

Phòng đọc sách ở khu phố 3, phường Long Thủy, thị xã Phước Long thu hút nhiều độc giả vào những ngày cuối tuần

Phòng đọc sách ở khu phố 3, phường Long Thủy, thị xã Phước Long thu hút nhiều độc giả vào những ngày cuối tuần

Mặc dù các phương tiện thông tin hiện phát triển rất đa dạng, có thể đọc, nghe, xem tại nhà nhưng việc cập nhật kiến thức từ sách cũng là ưu tiên được người lớn và trẻ nhỏ ở đây lựa chọn. Hệ thống phòng đọc trong khu dân cư là “cánh tay nối dài” của hệ thống thư viện đưa sách, báo đến gần hơn với người dân và học sinh. Em Nguyễn Thị Ngọc Thủy, học sinh Trường THPT Phước Long nói: Có tủ sách tại khu phố rất tiện, chúng em có thể trao đổi thêm kiến thức. Ngoài ra đọc sách cũng giúp thư giãn tinh thần.

Phát triển văn hóa đọc trong trường học

Được sự đầu tư của Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh, “Thư viện ước mơ” của Trường tiểu học Thanh Bình, thị xã Bình Long ra đời cuối tháng 8 năm nay. Đây là “điểm hẹn” cho học sinh yêu sách và thúc đẩy văn hóa đọc trong trường. Với số tiền hỗ trợ 85 triệu đồng, trường đã đầu tư thêm hàng ngàn đầu sách, bố trí sách trong thư viện dễ nhìn, bắt mắt để thu hút học sinh; phân công lịch đọc sách cho các lớp... Góc thư viện này đã tạo điều kiện để các em chủ động tìm tư liệu, thông tin giúp học sinh hứng thú hơn trong việc đọc sách. Thầy Trần Phong Phú, Hiệu trưởng trường cho biết: “Mỗi giờ ra chơi, các em rất háo hức đọc sách. Đây cũng là niềm vui của trường vì nâng cao văn hóa đọc cho các em. Trường sẽ cố gắng duy trì và phát triển thêm những đầu sách mới”.

Giữa những trăn trở về sự mai một của văn hóa đọc, những điểm hẹn văn hóa đọc rất cần được nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần xây dựng thói quen đọc sách. Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã có nhiều hoạt động đưa sách về cơ sở, nhằm tác động mạnh mẽ đến phong trào đọc sách, từ đó nâng cao nhận thức của mọi người về đọc sách. Ông Trần Đại Chính, Giám đốc Thư viện tỉnh nói: “Mục tiêu của văn hóa đọc nhằm giúp người dân tiếp cận được nguồn tri thức nhanh nhất, thuận tiện nhất và chính thống nhất. Việc làm của chúng tôi hướng về cơ sở trong thời gian qua không ngoài mục đích như thế. Việc chúng tôi làm còn là trách nhiệm của ngành thư viện mang sách và tri thức đi tìm người đọc”.

Có thể thấy, giữa thời đại công nghệ bùng nổ, không ít diễn đàn cho rằng, sự phát triển của công nghệ sẽ lấn át văn hóa đọc truyền thống thì trong cộng đồng vẫn có những điểm sáng, qua đó khẳng định văn hóa đọc luôn có một vị trí ở thời hiện đại. Và để mạch nguồn của văn hóa đọc luôn tồn tại trong đời sống cộng đồng, cần hơn nữa các tổ chức, cá nhân tích cực chung tay phát triển văn hóa đọc với nhiều cách làm, mô hình khác nhau.

A.Ngọc - V.Bằng

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/phat-trien-van-hoa-doc-tu-co-so-2415