Phát triển văn hóa - Khơi nguồn di sản trong thời đại số - Bài 4: Di sản và công nghiệp văn hóa
Theo số liệu công bố cuối năm 2023 của Bộ VH-TT-DL, sau 5 năm triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu hơn 8 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. Với sự đa dạng về văn hóa, nguồn tài nguyên di sản phong phú, Việt Nam được đánh giá có rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa.
Để di sản “lên tiếng”
Làng tranh Đông Hồ (ở Thuận Thành, Bắc Ninh) từng nổi danh một thời với Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong, màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp; nhưng giờ đây, hầu hết các gia đình đã chuyển sang nghề làm vàng mã. May mắn vẫn còn 3 hộ dân lưu luyến gìn giữ nghề của cha ông. Một trong số đó là gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế.
Khi chúng tôi đến, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đang chuẩn bị khai trương một bảo tàng cá nhân để giới thiệu quy trình làm tranh Đông Hồ truyền thống cùng nhiều mẫu tranh đặc sắc nhất mà ông đã lưu giữ được. Ông tự hào khoe với chúng tôi hơn 100 bản khắc cũ, trong đó có những bản khắc, ông phải bỏ ra hàng chục cây vàng để mua lại từ người dân trong làng. Lại có những bản quý hiếm đến mức có người trả hàng tỷ đồng ông cũng không bán. Đặc biệt, có những mẫu tranh mà chính người làng Đông Hồ cũng không còn lưu giữ được, sau khi tình cờ được một người bạn Pháp tặng, ông đã làm lại bản khắc mới.
Dòng họ Nguyễn Đăng đến đời ông là 20 thế hệ, hơn 500 năm làm nghề, bản thân ông 88 tuổi đời thì cũng có hơn 70 năm tuổi nghề. Có lẽ trời không phụ người có tâm với nghề, đến nay, cả gia đình ông Chế gồm: con trai, con gái, con dâu, con rể và các cháu đều “sống khỏe” bằng nghề, gây dựng một cơ ngơi khang trang với một trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ rộng hơn 6.000m2. Không chỉ tiêu thụ trong nước, tranh của ông còn được xuất khẩu. Ông cũng tổ chức nhiều hoạt động để làm “sống lại” làng nghề như: dạy nghề cho con em địa phương, trải nghiệm làm tranh Đông Hồ cho học sinh được các em nhỏ rất yêu thích.
Ông Chế chia sẻ: “Suốt mấy chục năm lăn lộn giữ nghề, tôi đều tự mình làm, không có sự hỗ trợ về kinh phí nào của nhà nước. Rất may gần đây chính quyền đã nhận ra cần phải giữ lấy nghề làm tranh Đông Hồ như một nét đẹp văn hóa của vùng quê Kinh Bắc và đã làm hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, dự kiến được xem xét trong năm 2024. Hy vọng đây sẽ là cơ hội để nhiều du khách biết đến và ghé thăm làng tranh Đông Hồ”.
Chuyện của ông Chế khiến chúng tôi nghĩ đến “số phận” lay lắt của những dòng tranh dân gian nổi tiếng như: Hàng Trống (Hà Nội), làng Sình (Huế), Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội)…
Trong khi đó, từ trà đạo của Nhật Bản, đến kim chi của Hàn Quốc, hay chuyện “hậu cung” các triều phong kiến Trung Hoa... lại đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn thế giới. Gần 2 thập niên qua, trào lưu văn hóa Hàn Quốc (thường được gọi là Hallyu) “tràn ngập” thế giới qua điện ảnh, âm nhạc, thời trang, công nghệ số… Cùng với đó là Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan…, đã rất thành công trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác triệt để các yếu tố lịch sử, văn hóa, di sản (cả vật thể và phi vật thể) biến thành thế mạnh, giới thiệu và chinh phục thị trường quốc tế. Đó không chỉ hình ảnh quốc gia, dân tộc mà còn trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn của những nước này.
Nền tảng để phát triển công nghiệp văn hóa
Với tiềm năng về di sản, văn hóa, thiên nhiên, kiến trúc, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp văn hóa. Nơi này được chọn làm phim trường của nhiều tác phẩm điện ảnh ăn khách như Đông Dương; Ngọn nến hoàng cung; Trăng nơi đáy giếng; Gái già lắm chiêu; Mắt biếc…
Và một trong những sản phẩm định vị thương hiệu công nghiệp văn hóa của xứ Thần Kinh chính là Festival Huế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã trở thành một sự kiện được chú ý trong hệ thống các festival trên thế giới. Qua các kỳ festival, những hình ảnh đẹp về văn hóa Huế, con người Huế, tinh hoa các nghề truyền thống Huế... đã được giới thiệu đến với du khách trong nước và quốc tế. Hoạt động này không chỉ đã trở thành một sự kiện văn hóa - xã hội - du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách địa phương và tạo việc làm cho người lao động, mà còn là động lực thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ…
Tương tự, ở Quảng Nam, chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh mang tên Ký ức Hội An nằm ven sông Thu Bồn cũng được ví như một “phép màu” hút khách đến với miền đất di sản này. Với sự tổng hòa của âm thanh, ánh sáng… chương trình tái hiện lại không khí của vùng đất Hội An xưa, nơi từng là thương cảng sầm uất, giao thoa văn hóa Đông - Tây từ 400 năm trước.
Nhận định về chương trình thực cảnh đặc biệt này, GS-TSKH Vũ Minh Giang từng chia sẻ, với lợi thế là sân khấu được xây dựng trên cồn đất nổi lên giữa sông Hoài, sân khấu Ký ức Hội An không cần quá dụng công cũng tạo đầy xúc cảm. Sự kết hợp giữa xưa và nay, truyền thống và hiện đại khiến chương trình ghi dấu ấn đặc biệt với du khách trong nước và quốc tế. Trong 2 năm 2023, 2023 Ký ức Hội An được Giải thưởng du lịch quốc tế danh giá vinh danh là Tổ hợp du lịch văn hóa và giải trí hàng đầu thế giới.
Chuyện ở những di sản như Hội An (Quảng Nam), Tràng An (Ninh Bình), Huế (Thừa Thiên Huế)… là những ví dụ điển hình về việc những di sản văn hóa được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị.
Với thủ đô Hà Nội, nơi có kho tàng di sản đồ sộ và nguồn tài nguyên du lịch lớn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”. Theo đó, Hà Nội đã tập trung khai thác nguồn tài nguyên này trên cơ sở hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Hiện rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để tạo ra những sự kiện, sản phẩm văn hóa đặc sắc, không chỉ có giá trị quảng bá, tuyên truyền, giáo dục mà còn là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
So sánh với các nước châu Á, Việt Nam cũng có hàng ngàn năm lịch sử hào hùng, văn hóa đa dạng, di sản phong phú về mọi thể loại, không hề thua kém. Thế nhưng, để thế giới biết rộng rãi, có sức hút và trở thành ngành kinh tế mạnh mẽ, thì vẫn còn rất hạn chế.
Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), di sản văn hóa hiện đã khẳng định được vai trò vừa là tài sản vô giá, vừa là nguồn tài nguyên quý cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và đặc biệt là khai thác các giá trị phục vụ công nghiệp văn hóa. Hàng triệu cổ vật đang được lưu giữ, trưng bày tại các bảo tàng, di tích; trên 40.000 di tích và trên 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, xếp hạng, công nhận, ghi danh cả ở trong nước và trên bình diện quốc tế… là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển công nghiệp văn hóa.
“Tuy nhiên, trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, di sản văn hóa chưa phải là 1 đối tượng, 1 ngành độc lập. Do đó, trong Luật Di sản văn hóa đang sửa đổi, chúng tôi đã dự thảo nội dung quy định rõ việc khai thác, sử dụng di sản văn hóa ở các lĩnh vực trong giáo dục, sáng tạo nghệ thuật, biểu diễn và dịch vụ, thương mại; quy định việc hợp tác công tư và chính sách thu hút khuyến khích tổ chức cá nhân trong xã hội tham gia như hình thức phát triển công nghiệp văn hóa”, bà Hiền cho biết.
Ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Chiến lược nêu rõ: “Công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Công nghiệp văn hóa (gồm 12 ngành) là các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, là vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế. Như vậy, di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) chính là nền tảng quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, đất nước Việt Nam”.