Phát triển văn hóa trong không gian số tại Việt Nam trong một thế giới 'phẳng'
Cuốn sách 'Nhận diện văn hóa trong không gian số' do PGS.TS. Vũ Trọng Lâm và TS. Nguyễn Việt Lâm đồng chủ biên đã góp phần xây dựng một hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa trong không gian số - một nội dung rất mới và phức tạp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Bìa cuốn sách "Nhận diện văn hóa trong không gian số" do PGS.TS. Vũ Trọng Lâm và TS. Nguyễn Việt Lâm đồng chủ biên
Văn hóa là tất cả những giá trị vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra; phản ánh các giá trị cốt lõi, mang tính bản sắc, phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác, làm cho thế giới trở nên đa dạng. Tại Việt Nam, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định “văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, có vai trò điều tiết sự vận động của xã hội.
Hiện nay, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với sự phát triển của các quốc gia. Chuyển đổi số đã và đang tạo ra một môi trường văn hóa mới của con người, đó là môi trường số, môi trường trên internet, môi trường ảo, bên cạnh môi trường thực mà chúng ta đã, đang sống quen thuộc. Trong đó, văn hóa số được hiểu là phương thức và hoạt động văn hóa (sáng tạo, lưu giữ, truyền bá, tiếp nhận, thưởng thức,...) của cá nhân và cộng đồng trên cơ sở ứng dụng các phương tiện và công nghệ kỹ thuật số; là các quy tắc ứng xử (lối sống, ứng xử, phương cách giao tiếp, làm việc,...) và chuẩn mực đạo đức, pháp luật của con người trong môi trường số. Văn hóa số giúp mọi người tiếp cận lượng tri thức văn hóa đồ sộ của toàn nhân loại đã hình thành trong quá trình lịch sử và tiếp tục sản sinh ra những giá trị văn hóa mới trên nền tảng số. Do đó, xây dựng văn hóa số cũng như môi trường văn hóa số là vấn đề vừa có tính cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần sớm được triển khai một cách đồng bộ để góp phần định vị và củng cố sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhằm giúp bạn đọc có những hiểu biết toàn diện hơn về lĩnh vực rất mới này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách chuyên khảo "Nhận diện văn hóa trong không gian số" do PGS.TS. Vũ Trọng Lâm và TS. Nguyễn Việt Lâm đồng chủ biên. Với kết cấu 4 chương, được trình bày khoa học, dễ hiểu, đi từ thực tiễn thế giới đến Việt Nam, cuốn sách không chỉ đưa ra những vấn đề mang tính khái quát mà còn đi sâu phân tích thực trạng quá trình xây dựng và phát triển của văn hóa trong không gian số gắn ở Việt Nam hiện nay. Một điểm nhấn của cuốn sách, là các tác giả đã dày công nghiên cứu chính sách văn hóa số tại một số khu vực và quốc gia phát triển như: Liên minh châu Âu, Anh, Tây Ban Nha cùng một số nước tiêu biểu khác. Đây là nguồn tư liệu hết sức hữu ích để giới nghiên cứu cũng như bạn đọc có sự so sánh, đối chiếu với Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách về văn hóa. Đặc biệt, các tác giả đã khéo léo đặt vấn đề phát triển văn hóa số trong mối liên hệ với tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; với quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về văn hóa và văn hóa số, nhấn mạnh sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế.
Có thể khẳng định, trước những chuyển biến không ngừng của quá trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, cuốn sách sẽ đón đầu một vấn đề “nóng” trong kỷ nguyên số, để từ đó đưa ra các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa trong không gian số ở Việt Nam, góp phần phục vụ công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, hướng đến xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.