Phát triển văn hóa xứng tầm, phục vụ tốt nhân dân
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân… do đó trong những năm qua, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nhằm phục vụ tốt nhu cầu người dân và đã đạt được những kết quả tích cực.
Đầu tư cho văn hóa là đầu tư phát triển
Qua gần 25 năm tái lập và phát triển, Bình Dương luôn quan tâm đầu tư, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tỉnh đã có những chủ trương, biện pháp cụ thể để phát triển lĩnh vực này tương xứng với sự phát triển về kinh tế. Vì thế, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, nội dung “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh” là một trong những mục tiêu đã được các đại biểu biểu quyết thông qua. Qua đó cho thấy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sự nghiệp phát triển văn hóa luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là được sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Các thiết chế văn hóa không chỉ phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh
Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của nhân dân. Bình Dương cũng rất quan tâm và tập trung triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Việc triển khai thực hiện hiệu quả 2 nội dung trên đã mang lại chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, hiện đại...
Có thể thấy, việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động trong các tầng lớp nhân dân. Tại nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình, phong trào hiệu quả, tiêu biểu, như: Mô hình “Tuyến phố hoa”, “Tuyến phố văn minh”, “Vẽ tranh môi trường trên trụ điện, nắp cống” ở TP.Thủ Dầu Một; mô hình “Khu phố không rác”, “Tuyến phố văn minh đô thị”, “Chợ văn minh đô thị” ở TP.Thuận An; mô hình “Làm cho khu phố, ấp sạch hơn”, “Ngôi nhà xanh”, phong trào thi đua xây dựng văn phòng khu phố, ấp xanh - sạch - đẹp - sáng ở TX.Tân Uyên…
Chú trọng đến các đối tượng thụ hưởng
Bà Nguyễn Thị Tuyết, ngụ ở xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên cho biết, xã hội ngày càng phát triển, thông qua các phương tiện thông tin, người dân khu vực bà sinh sống đã tiếp cận được nhiều sân chơi văn hóa bổ ích. Người cao tuổi có các điểm tập thể dục dưỡng sinh buổi sáng. Trẻ nhỏ có nhiều khu vui chơi phát triển toàn diện các kỹ năng. Công nhân lao động vui vẻ giao lưu với các mô hình câu lạc bộ hát với nhau, thể dục thể thao… Còn với ông Phạm Văn Thanh, ngụ ở phường Dĩ An, TP.Dĩ An thì các hoạt động văn hóa nghệ thuật tổ chức tại địa phương đã ngày càng phong phú, đa dạng; các chương trình đờn ca tài tử, liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng cho đến các hội thi nhảy hiện đại, múa lân sư rồng, tuyên truyền lưu động luôn có những nét mới…
Nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở luôn được quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo. Tính đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố đã hình thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thanh. Trong đó, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao TX.Tân Uyên, huyện Phú Giáo, huyện Dầu Tiếng được đầu tư xây dựng mới đạt chuẩn, phù hợp với quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, 52/91 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 57,14% (trong đócó28 trung tâm được đầu tư xây dựng mới đạt chuẩn về diện tích, phù hợp với quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) .
Bên cạnh hoàn thiện các thiết chế văn hóa, nét đẹp văn hóa của các hoạt động lễ hội của Bình Dương ngày càng lan tỏa, để lại nhiều ấn tượng cho nhân dân và du khách. Nhiều thành phần kinh tế đã tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao góp phần cùng Nhà nước tạo môi trường sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. (còn tiếp)
- Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân, sở đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động văn hóa hướng về cơ sở, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức. Sở cũng đã tiến hành ký kết nhiều chương trình, kế hoạch liên tịch, liên ngành nhằm tăng cường cơ chế phối hợp để tổ chức các hoạt động cho nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, như: Nhân dân vùng xa; học sinh, sinh viên trong các trường học; CNLĐ tại các khu công nghiệp; phạm nhân, học viên trong các trại giam, trại giáo dưỡng...
- Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh: Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Công an tỉnh... đã ký kết các chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ các đối tượng CNLĐ. Ngoài ra, ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các hoạt động, như: Hội thi văn nghệ - thể thao công nhân tại các khu công nghiệp; tổ chức các buổi chiếu phim, biểu diễn phục vụ tại địa phương có các khu nhà trọ của công nhân… Sự đa dạng của các sân chơi văn hóa văn nghệ, thể thao đã đáp ứng nhu cầu giải trí, văn hóa tinh thần của người lao động ở các địa phương.