Phát triển vi mạch bán dẫn TPHCM - Từ tiềm năng thành hành động
TPHCM vừa ban hành Chiến lược phát triển vi mạch đến năm 2030, trong đó Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) được định hướng trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh.
Đã 12 năm từ ngày “ươm mầm” với Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2017 có điều chỉnh, bổ sung) đến Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đã nêu rõ ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư chiến lược trong giai đoạn mới sẽ bao gồm: “Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, chip… có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên”.
Ban Quản lý SHTP trong một tờ trình gửi UBND TPHCM vào tháng 8-2023 đã nhấn mạnh: Để phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng là điện tử, vi mạch bán dẫn, với trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp trong nước, tập trung vào các khâu có giá trị tăng cao như nghiên cứu - phát triển, thiết kế, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn, có khả năng ứng dụng và sáng tạo công nghệ là rất quan trọng.
Như vậy phát triển vi mạch phải ở tầm quốc gia với những bước đi tiên phong hoặc là hình thức “phòng thí nghiệm quốc gia” tại phía Nam đặt trong SHTP, như TPHCM đã và đang theo đuổi. Qua đó, sẽ thực hiện vai trò trung gian gắn kết, phát huy thế mạnh của nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp trong triển khai các chương trình đào tạo trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn. Với định hướng chiến lược quốc gia nói chung, chiến lược phát triển công nghiệp TPHCM nói riêng, khung thể chế đang dần được hoàn thiện, các chính sách ưu tiên phát triển ngành điện tử vi mạch bán dẫn đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Việc sớm hình thành các khu công nghệ cao tập trung đã tạo nên một không gian công nghệ thuận lợi. Trong số hơn 5.000 kỹ sư ngành vi mạch cả nước, TPHCM chiếm đa số; nguồn nhân lực chất lượng cao này cùng với việc thu hút đầu tư nhiều doanh nghiệp sản xuất vi mạch lớn trên thế giới, sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển.
SHTP đã thành lập Trung tâm Điện tử vi mạch bán dẫn (ESC) hợp tác cùng doanh nghiệp để chuẩn bị cho việc đào tạo nhân lực. Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (thuộc SHTP) được nâng cấp thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo. Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) sắp đi vào hoạt động, có vai trò là nền tảng kết nối các chuyên gia, tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh tế lớn triển khai các hoạt động thử nghiệm chính sách, thử nghiệm công nghệ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn… Những “tín hiệu” ấy đồng bộ với sự hiện diện của 3 đối tác lớn của SHTP, vốn là những tập đoàn hàng đầu về thiết kế chip, cung cấp công cụ thiết kế vi mạch, gồm Siemens EDA (Đức), Synopsys và Cadence (Mỹ), chiếm hơn 80% thị phần toàn cầu trong cung cấp các công cụ, phần mềm tự động hóa thiết kế vi mạch.
Để biến những tiềm lực thành nội lực và giữ được trường lực quốc gia - thành phố, trong giai đoạn tới, những giải pháp mà ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của Việt Nam cần sự đồng bộ đối với các ngành đào tạo trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn và các ngành đào tạo liên quan; hình thành mới và đầu tư tăng cường các trung tâm, viện nghiên cứu chuyên ngành trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn. Việc sớm xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở các nước phát triển, nhất là tại Thung lũng Silicon (Mỹ) có tâm huyết, cũng rất quan trọng. Nguồn lực này là vốn quý để chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nước, giúp nhanh chóng nâng cao năng lực tiếp thu, ứng dụng và sáng tạo công nghệ trong nước. Đó còn là xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về trong nước.