Phát triển 'vựa' rau và hoa ở Mê Linh

Với thế mạnh là 'vựa' rau và hoa của Thủ đô, huyện Mê Linh đang khai thác lợi thế, phát triển các nhóm cây trồng chủ lực để đem lại giá trị cao hơn, làm giàu cho nông dân.

 Mô hình trồng hoa hồng cho giá trị cao ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh).

Mô hình trồng hoa hồng cho giá trị cao ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh).

Xã Tráng Việt hiện có 304ha sản xuất rau, củ, quả, trong đó có 134ha canh tác theo hướng an toàn và 10ha trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh các loại rau ăn lá phổ biến, củ cải được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế lớn đối với Tráng Việt. Toàn xã hiện có khoảng 90ha chuyên trồng củ cải gối vụ, mỗi năm 5 lứa (giống Hàn Quốc, Nhật Bản); năng suất đạt trung bình 80 tấn/ha. Với giá bán 6.000-8.000 đồng/kg, mỗi héc ta củ cải cho doanh thu tới 500 triệu đồng/lứa.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) Vũ Văn Kỳ, ước tính mỗi ngày trên cánh đồng bãi thôn Đông Cao, nông dân thu được 120-150 tấn củ cải. Nhiều năm nay, sản xuất rau ở Đông Cao đều được thực hiện theo quy trình an toàn, các hộ dân giám sát nhau để giữ uy tín, chất lượng cho cả vùng rau.

Trong khi đó, tại xã Mê Linh, nông dân lại có nghề trồng hoa. Theo Bí thư Đảng ủy xã Mê Linh Quách Sỹ Dũng, toàn xã hiện có hơn 300ha trồng các loại hoa, trong đó có 120ha hoa hồng. Đặc biệt, hiện có 50 nhà vườn đã chuyển sang trồng hoa thế, đạt giá trị 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Ông Phạm Đức Tài - một gia đình trồng hoa hồng thế ở xã Mê Linh cho biết, từ khi chuyển đổi sang mô hình trồng hoa thế, vườn của gia đình thu nhập tăng gấp 3 lần so với trồng hoa cắt cành trước đây.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa năm 2015, huyện Mê Linh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất quy mô lớn như: Lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô từ 50ha trở lên tại các xã: Tam Đồng, Liên Mạc, Kim Hoa, Tự Lập; rau an toàn tại các xã: Tráng Việt, Tiến Thắng, Tiền Phong; hoa, cây cảnh quy mô từ 20ha trở lên tại các xã: Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh; cây ăn quả tập trung quy mô từ 20ha trở lên tại các xã: Chu Phan, Hoàng Kim, Tráng Việt.

Để hỗ trợ nông dân, huyện Mê Linh đã phê duyệt đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho 227 hộ dân; hỗ trợ nhân dân mua 48 máy gặt đập liên hợp; 3 máy cấy, 1 máy gieo hạt... Hiện trên địa bàn huyện cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt tỷ lệ 85%, diện tích sử dụng máy gặt đập liên hợp là 70%; diện tích trồng trọt sử dụng máy phun thuốc bằng động cơ tự động đạt 90%... Huyện cũng triển khai dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể hoa Mê Linh; xây dựng và triển khai mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm củ, quả an toàn tại xã Tráng Việt, Tiến Thịnh...

Mới đây, khi kiểm tra, khảo sát thực tế Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện Mê Linh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá rất cao các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Mê Linh.

"Tuy có giá trị kinh tế cao song nông dân ở các vùng sản xuất chuyên canh trên địa bàn Mê Linh vẫn còn khó khăn, đặc biệt trong liên kết, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Do vậy, các sở, ngành cần quan tâm hỗ trợ huyện trong thúc đẩy các chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Nong-nghiep/917065/phat-trien-vua-rau-va-hoa-o-me-linh