Phát triển vùng bưởi hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu

Cây bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương, mang lại nguồn lợi lớn cho nhiều hộ gia đình. Vùng sản xuất bưởi hàng hóa và thương hiệu bưởi Tuyên Quang đã hình thành được thị trường trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.

Vùng sản xuất bưởi hàng hóa được coi là lớn nhất tỉnh ở xã Phúc Ninh (Yên Sơn) thời điểm này đang là điểm đến của các thương lái buôn hoa quả. Những xe tải từ 2,5 đến chục tấn nối đuôi nhau mang bưởi chín từ các nhà vườn, trang trại tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông Tống Duy Hưng đầu mối thu mua bưởi cung ứng về chợ Long Biên (Hà Nội) và các tỉnh lân cận cho biết, xã Phúc Ninh có diện tích bưởi lớn nhất, chất lượng bưởi cũng đứng vào TOP hàng đầu của Tuyên Quang nên cứ vào vụ là thương lái như ông đổ về đóng hàng. Ngoài bưởi Diễn được coi là truyền thống, 5 năm trở lại đây người trồng bưởi Phúc Ninh còn có thêm các giống đào đường, Phúc Trạch, da xanh, đường, Cát Quế… nên nguồn hàng phong phú hơn, đáp ứng tất cả những bạn hàng khó tính nhất.

Thương lái kiểm tra và đặt mua bưởi của các nhà vườn tại thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn).

Thương lái kiểm tra và đặt mua bưởi của các nhà vườn tại thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn).

Theo ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh, toàn xã có 920 ha bưởi, trong đó có trên 500 ha cho thu hoạch, tập trung nhiều nhất ở thôn Soi Tiên, Lục Mùn, Gà Luộc, Khuôn Thống… Bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực, có giá trị cao nhất, giúp người dân Phúc Ninh đổi đời. Theo thống kê, trung bình mỗi năm trừ chi phí đầu tư người dân Phúc Ninh thu khoảng 160 tỷ đồng tiền bưởi, điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Giàu, thôn Ao Dăm, thu gần 2 tỷ đồng; ông Nguyễn Danh Xuân, thôn Soi Tiên thu hơn 1 tỷ đồng. Đa dạng hóa sản phẩm, tạo thế cạnh tranh cho sản phẩm bưởi Phúc Ninh, xã đã vận động bà con chuyển đổi hướng canh tác, từ sản xuất đại trà sang hữu cơ, VietGAP. Hiện tại trên địa bàn xã đã có 50 ha bưởi được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đã cho thu hoạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Sau Phúc Ninh, các xã Xuân Vân, Thắng Quân, Tứ Quận, Tân Long (Yên Sơn); Đức Ninh, Thái Hòa, Hùng Đức (Hàm Yên); Thái Long, Đội Cấn, Tân Hà (TP Tuyên Quang) cũng đã phát triển được vùng trồng bưởi hàng hóa với quy mô từ vài chục đến vài trăm ha. Ông Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho biết, bưởi là giống cây dễ trồng, thu hái nhanh, bảo quản lâu, đặc biệt có giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi diện tích đất vườn tạp, đồi nương để trồng bưởi. Tính đến hết năm 2019, toàn xã có 60 ha, trong đó trên 40 ha đã cho thu hoạch với các giống bưởi đường, bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch và bưởi đào đường.

Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 ha bưởi, trong đó nhiều nhất là Yên Sơn với trên 4.000 ha, trung bình mỗi năm giá trị kinh tế từ cây bưởi đem lại cho các địa phương 500 - 600 tỷ đồng. Đưa cây bưởi phát triển thành ngành hàng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững trong điều kiện thị trường cạnh tranh khốc liệt, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ các địa phương phát triển vùng trồng bưởi trong điều kiện cho phép, trong đó tính đến quy hoạch vùng, thị trường tiêu thụ. Đồng thời chuyển đổi phương thức sản xuất, tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và đưa một số giống bưởi mới vào trồng nhằm đa dạng hóa sản phẩm bưởi, rải vụ thu hoạch và nâng cao giá trị bưởi.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngoài 2 nhãn hiệu bưởi Phúc Ninh, bưởi ngọt Soi Hà, xã Xuân Vân đã nức tiếng gần xa, năm 2019 vừa qua sở đã cùng với Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam hỗ trợ 16 hộ trồng bưởi trên địa bàn xã Phúc Ninh (Yên Sơn) chuyển đổi phương thức canh tác sang sản xuất hữu cơ. Sau 1 năm triển khai sản phẩm bưởi chuyển đổi hữu cơ đã chính thức ra mắt thị trường. Ông Việt khẳng định, sau vùng chuyên canh hàng hóa cam sành Hàm Yên, tỉnh đã có thêm vùng chuyên canh bưởi hàng hóa tương đối lớn, có giá trị kinh tế cao nhất hiện nay. Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm phát huy giá trị thương hiệu của sản phẩm bưởi, nâng cao đời sống nhân dân.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/phat-trien-vung-buoi-hang-hoa-gan-voi-xay-dung-thuong-hieu-127524.html