Phát triển vùng du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên

Ngày 15/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Xây dựng vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề'.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá khu vực Tây Nguyên có nhiều tiềm năng từ cảnh quan thiên nhiên đến truyền thống văn hóa bản địa để phát triển du lịch văn hóa, văn hóa sinh thái. Tây Nguyên có nguồn tài nguyên to lớn về đất đai, rừng núi, có khí hậu đặc thù ôn đới và hệ thống động, thực vật phong phú đa dạng với các Vườn Quốc gia như Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Kon Ka Kinh (Gia Lai), Chư Mom Ray (Kon Tum), Bidoup núi bà (Lâm Đồng). Đặc biệt, đây còn là vùng đất sản sinh và lưu giữ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo như các lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… của các dân tộc như Êđê, M’Nông, Ba Na, Xê Đăng, Gia jai, K’ho… Tất cả tạo nên những tiềm năng to lớn cho công tác xây dựng, phát triển vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên.

Đứng trước tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái, tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa khai thác hiệu quả loại hình du lịch này và tồn tại những hạn chế nhất định như: Thiếu sự liên kết trong phát triển du lịch giữa các tỉnh; cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Các tỉnh Tây Nguyên chưa kết hợp được chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Trong quá trình khai thác du lịch, công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và các sản phẩm của rừng chưa được chú trọng dẫn đến nhiều hệ lụy… Qua đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển vùng du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên vừa tạo giá trị kinh tế vừa bảo tồn truyền thống văn hóa và cảnh quan vùng Tây Nguyên.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Tây Nguyên là nơi sản sinh hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, không nơi nào có được. Do đó, để phát huy tiềm năng của du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên, các địa phương cần tập trung vào một số giải pháp như: Bảo tồn di sản văn hóa và huy động người dân tham gia làm du lịch cộng đồng, đặc biệt đối với bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số của khu vực Tây Nguyên từ phong tục tập quán đến đời sống văn hóa, ẩm thực, cồng chiêng Tây Nguyên; nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vai trò của du lịch văn hóa sinh thái đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, các địa phương có sự đầu tư tương xứng để phát triển loại hình du lịch này; mở rộng liên kết vùng và bảo tồn sự đa dạng sinh học cũng là những nhiệm vụ cần thiết nhằm tạo ra mạng lưới, hành trình du lịch hấp dẫn, để lại ấn tượng đối với du khách, đặc biệt là sự liên kết du lịch giữa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên…

Theo Tiến sĩ Lê Văn Nghĩa, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, để phát huy được tiềm năng trong phát triển du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên cần có cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù từng tỉnh trong khu vực, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút nguồn đầu tư phát triển du lịch văn hóa sinh thái. Các cơ quan chức năng làm công tác du lịch, văn hóa cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với vùng miền của từng địa phương, xúc tiến phát triển du lịch sinh thái văn hóa. Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng như lễ hội văn hóa truyền thống, trải nghiệm đời sống văn hóa dân tộc tại chỗ… tạo sức hút đối với du khách...

Tiến sĩ Vũ Thịnh Trường, Trường Đại học Văn Hiến thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các giải pháp phát triển du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên cần chú trọng tính bền vững, nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững đối với loại hình du lịch này. Bên cạnh đó, không để việc phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái theo hướng tự phát, dẫn đến nguy cơ phá hủy những giá trị văn hóa truyền thống, các địa phương cần quy hoạch khoa học, quy củ để vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc tại chỗ.

Các thành phần dân tộc vùng Tây Nguyên đa số sống tập trung thành buôn, làng bằng những ranh giới tự nhiên nhất định, vì vậy có thể phát triển mô hình Làng du lịch nhằm huy động cộng đồng cùng chung tay tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đem lại sinh kế lâu dài cho người dân địa phương...

Tin, ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/phat-trien-vung-du-lich-van-hoa-sinh-thai-khu-vuc-tay-nguyen-20191115212434174.htm