Phát triển vùng nguyên liệu tre, luồng gắn với chế biến

Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh có diện tích tre, luồng lớn nhất cả nước, với tổng diện tích lên tới hơn 128.000 ha; trong đó, luồng 78.000 ha, chiếm 60,9%; nứa 22,7%; vầu 6,8%, còn lại 9,6% là các loài tre nứa khác. Sản lượng khai thác hàng năm khoảng 60 triệu cây luồng và 80.000 tấn nguyên liệu giấy ngoài gỗ, phục vụ xuất khẩu và chế biến.

Diện tích vầu đạt chuẩn FSC tại xã Tam Lư (Quan Sơn).

Với diện tích lớn, quy mô bao phủ rộng, nên tre, luồng đã và đang trở thành loại cây sinh kế chính cho người dân khu vực miền núi. Vì vậy, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm nâng cao giá trị cho sản phẩm tre, luồng. Tuy nhiên, giá trị sản xuất tre, luồng hiện vẫn được đánh giá là thấp so với tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân khiến giá trị sản xuất tre, luồng trên địa bàn thấp là do tỷ lệ nguyên liệu tre, luồng đưa vào chế biến còn thấp, sản phẩm chế biến mới chỉ ở dạng sơ chế nên giá trị kinh tế chưa cao... Theo đánh giá của Hiệp hội Tre luồng tỉnh, sau khi chế biến, giá trị của cây luồng tăng lên khoảng 20 lần so với nguyên liệu thô. Tuy nhiên, những năm qua, các cơ sở sản xuất, chế biến tre, luồng trong tỉnh chỉ mới tiêu thụ khoảng 40% sản lượng tre, luồng khai thác hàng năm, 60% còn lại được thương lái thu mua, tiêu thụ ở các tỉnh ngoài. Vì vậy, giá trị tài nguyên từ tre, luồng đang bị thất thoát khá lớn.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá được thực trạng, nguyên nhân, hạn chế trong sản xuất và chế biến tre, luồng, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh xác định, để nâng cao giá trị cho sản phẩm tre, luồng thì phải gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Tại huyện Quan Sơn, thực hiện định hướng phát triển sản xuất tre, luồng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, những năm qua, huyện đã quan tâm thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho vùng nguyên liệu và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Theo đó, huyện Quan Sơn đẩy mạnh thâm canh, phục tráng các diện tích tre, luồng, vầu bị thoái hóa. Duy trì và mở rộng diện tích rừng bền vững được cấp chứng chỉ FSC. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên bố trí mặt bằng phù hợp để các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, chú trọng, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp chế biến sâu lâm sản ngoài gỗ nhằm khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu nứa, luồng, vầu, nhất là những doanh nghiệp có khả năng chế biến với công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, có năng lực tài chính thực hiện dự án. Qua đó, hiện huyện đã có hơn 3.000 ha rừng vầu, luồng, nứa được cấp chứng chỉ FSC, đủ điều kiện xuất khẩu, mở ra cơ hội tiêu thụ với sản lượng lớn và nâng cao giá trị kinh tế cho vùng nguyên liệu. Toàn huyện có 34 doanh nghiệp và 109 cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động; trong đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cơ sở này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ tre, luồng, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, với thu nhập từ 4,5 đến 10 triệu đồng/người/tháng, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Để định hướng, khuyến khích các địa phương phát triển tre, luồng gắn với chế biến, những năm gần đây, cùng với việc xây dựng kế hoạch, lộ trình, giao chỉ tiêu cụ thể phát triển diện tích rừng luồng thâm canh cho từng địa phương cụ thể, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các huyện thuộc quy hoạch vùng luồng thâm canh của tỉnh hoàn thành kế hoạch giao thâm canh, phục tráng rừng luồng. Đồng thời, tuyên truyền đến người dân chính sách hỗ trợ phát triển luồng thâm canh; mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục tráng rừng luồng cho người dân.

Thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp phát triển sản xuất tre, luồng gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm, hiện, toàn tỉnh đã phát triển được vùng trồng luồng thâm canh, với diện tích ước đạt 30.000 ha, trữ lượng 187 triệu cây, bình quân 2.400 cây/ha, sản lượng khai thác 400 - 500 cây/ha/năm. Toàn tỉnh cũng đã có 126 cơ sở chế biến sản phẩm từ tre, luồng.

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-vung-nguyen-lieu-tre-luong-gan-voi-che-bien/134083.htm