Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao

Những năm gần đây, các địa phương ven biển của tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung, đáp ứng yêu cầu nuôi trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) từng bước được đầu tư cơ sở hạ tầng.

Khu NTTS tập trung của xã Hoằng Phong, với hơn 300 ha, 160 hộ tham gia NTTS và đã có nhiều hộ chuyển từ mô hình nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi tôm công nghiệp thâm canh. Trong đó, thông qua Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa”, vốn vay WB, khu NTTS tập trung của xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) được triển khai các tiểu dự án xây dựng trạm biến áp, đường dây trung thế, hạ thế cho vùng nuôi xã Hoằng Phong, gồm 2 trạm biến áp, mỗi trạm có công suất 160KVA; hơn 8,5km đường dây trung, hạ thế; với diện tích 137 ha... Ngoài diện tích dự án đầu tư, một số hộ đã đầu tư xây dựng các mô hình nuôi tôm công nghiệp, với nguồn vốn từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng/ha, bao gồm: Bạt, hệ thống ống cấp thoát nước, hệ thống điện, máy quạt nước... Với sự đầu tư bài bản cùng với ứng dụng công nghệ cao, doanh thu bình quân đạt từ 2 đến 2,5 tỷ đồng/ha/vụ.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng NTTS hơn 120 tỷ đồng, như: Khu NTTS Hoằng Phong (Hoằng Hóa); vùng NTTS Đông - Phong - Ngọc (Hà Trung); cơ sở hạ tầng vùng NTTS các xã Minh Lộc, Hòa Lộc (Hậu Lộc) và đưa vào sử dụng 2 vùng NTTS an toàn tập trung tại các xã Nga Tân (Nga Sơn), Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), với diện tích 300 ha. Ngoài ra, từ nguồn vốn ODA đầu tư dự án nguồn lợi thủy sản ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ đầu tư 10 vùng NTTS nước lợ tại các xã Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn); Xuân Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Đạt, Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong (Hoằng Hóa); Quảng Chính, Quảng Khê (Quảng Xương)... Với sự đầu tư cơ sở hạ tầng vùng NTTS tập trung, các địa phương ven biển của tỉnh đã phát triển được 500 ha nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình nuôi tôm công nghiệp thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi trong nhà bạt, nuôi công nghệ biofloc... đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, đã có một số cơ sở đang áp dụng nuôi tôm bằng hình thức bể nổi, khung sắt. Đây là mô hình được đánh giá có hiệu quả cao, áp dụng cho nuôi trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay điều kiện hạ tầng NTTS nước mặn, lợ phần lớn chỉ đáp ứng cho hình thức nuôi tôm quảng canh, do hệ thống cấp thoát nước chung nhau, hệ thống giao thông không thuận lợi, không có điện cho vùng nuôi,... nên gặp khó khăn khi phát triển nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Một số diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn, trồng cói kém hiệu quả đã được các địa phương lập dự án chuyển đổi sang nuôi tôm nước lợ nhưng hiện tại thiếu nguồn vốn đầu tư để đầu tư hạ tầng. Hiện các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đang nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư hệ thống cấp, thoát nước chính, hệ thống điện, đường giao thông phục vụ nuôi tôm nước lợ cho 4 vùng nuôi với diện tích 1.346 ha, gồm: Vùng NTTS các xã Nga Tiến, Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn), với diện tích 285 ha; vùng NTTS các xã Hoằng Yến, Hoằng Phong, Hoằng Lưu, Hoằng Châu (Hoằng Hóa), với diện tích 825 ha; vùng NTTS xã Đa Lộc (Hậu Lộc), với diện tích 64 ha; vùng NTTS xã Quảng Trung (Quảng Xương), với diện tích 172 ha.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-vung-nuoi-trong-thuy-san-ung-dung-cong-nghe-cao/131336.htm