'Phát triển y học cổ truyền thành ngành khoa học mạnh là hướng đi đúng và cấp thiết'

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị nền y học cổ truyền Việt Nam.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam có nền y học cổ truyền lâu đời, được hình thành từ rất sớm, kế thừa những tinh hoa của dân tộc với những danh y nổi tiếng, những tấm gương sáng về y lý, y đức, y thuật như: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh…

Với những tiềm năng và lợi thế vốn có, việc phát triển nền y dược cổ truyền trở thành một ngành khoa học mạnh ở nước ta là một hướng đi đúng, quan trọng và cấp thiết, không chỉ góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã nhấn mạnh như vậy tại Buổi Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam, diễn ra ngày 19/5 tại Hà Nội.

Nhiều chính sách nhằm bảo tồn, phát triển nền y học cổ truyền

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chúc mừng và biểu dương những thành tích xuất sắc mà các thế hệ thầy và trò của Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam đã đạt được, góp phần tích cực vào phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam cũng như sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị nền y học cổ truyền Việt Nam. Hệ thống chính sách, pháp luật về y học cổ truyền không ngừng được hoàn thiện. Công tác quản lý nhà nước, khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y học cổ truyền được quan tâm và đầu tư.

Các kỹ thuật khám, chữa bệnh y học cổ truyền đặc sắc, chuyên sâu, các phương thức chẩn trị, điều trị không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền được nghiên cứu, phát triển. Các cấp Hội Đông y Việt Nam được kiện toàn và hoạt động tích cực, hiệu quả.

 Phó Thủ tướng Lê Thành Long chúc mừng và biểu dương những thành tích xuất sắc mà các thế hệ thầy và trò của Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam đã đạt được. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chúc mừng và biểu dương những thành tích xuất sắc mà các thế hệ thầy và trò của Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam đã đạt được. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho hay đến nay, cả nước có 14 đơn vị đào tạo nguồn nhân lực y dược cổ truyền trình độ đại học, trong đó có Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam. Sau 20 năm thành lập, xây dựng và phát triển, 55 năm truyền thống, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện đã luôn đoàn kết, nỗ lực và đạt được những thành quả rất đáng tự hào. Hoạt động đào tạo của Học viện đã đóng góp rất quan trọng cho việc xây dựng, phát triển nguồn cán bộ y học cổ truyền với gần 11.000 cán bộ y tế trình độ đại học và sau đại học, chiếm trên 50% nhân lực y dược học cổ truyền trên toàn quốc.

Học viện đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trường đại học có uy tín của Trung Quốc; hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh với nhiều đối tác tại châu Âu, châu Á như Bulgaria, Czech, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học

Phó giáo sư Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam cho hay trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, 55 năm truyền thống, Học viện đã trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu đào tạo lĩnh vực y học cổ truyền góp phần đưa y học cổ truyền Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới.

Hệ thống cơ sở thực hành của Học viện gồm các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, các viện nghiên cứu và các công ty Dược. Hằng năm, Học viện tuyển sinh 1300-1400 sinh viên, học viên. Quy mô đào tạo đào tạo của Học viện hơn 6.000 sinh viên và trên 700 học viên sau đại học. Trong 55 năm qua, Học viện đã đào tạo và bổ sung cho ngành y tế gần 11.000 cán bộ y tế trình độ đại học, sau đại học và hàng nghìn y sĩ y học cổ truyền, kỹ thuật viên...

 Phó Thủ tướng Lê Thành Long cắt băng khánh thành Phòng Truyền thống của Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cắt băng khánh thành Phòng Truyền thống của Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hoạt động đào tạo liên tục, đào tạo ngắn hạn của học viện đáp ứng yêu cầu thực tiễn ngày càng mở rộng. Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế được quan tâm, đã trở thành một thế mạnh nổi bật, góp phần đưa y học cổ truyền Việt Nam đến gần hơn với đời sống, phục vụ thiết thực công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng và lan tỏa tới các nước trên thế giới.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới với cùng lúc các cơ hội và thách thức. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đạt được. Bên cạnh đó, Học viện cần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hướng tới trở thành một trong những cơ sở đào tạo nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao, nòng cốt của ngành y tế; trong đó, tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xử lý sớm các vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả việc đầu tư Dự án xây dựng mới cơ sở 2 Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc./.

- Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam có tiền thân là Trường Trung học thuốc nam lấy tên là trường Tuệ Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 133/BYT-QĐ ngày 11 tháng 3 năm 1971 của Bộ trưởng Bộ Y tế do Lương y Nguyễn Kiều làm hiệu trưởng.

- Trước nhu cầu nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học ngành y học cổ truyền trong chăm sóc sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền ngày càng tăng, ngày 2/2/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 30/2005/QĐ-TTg thành lập Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam với đầy đủ chức năng đào tạo, nghiên cứu và khám chữa bệnh, bao gồm Bệnh viện Tuệ Tĩnh và Viện nghiên cứu Y Dược cổ truyền Tuệ Tĩnh.

- Những năm qua, Học viện đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của, như Huân chương lao động hạng Nhất, Huân chương lao động hạng Nhì, 02 Huân chương lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-y-hoc-co-truyen-thanh-nganh-khoa-hoc-manh-la-huong-di-dung-va-cap-thiet-post1039406.vnp