Phát trực tiếp kinh dị hóa nghề livestream
Live: Phát trực tiếp (Live: #PhátTrựcTiếp) khai thác khía cạnh kinh dị trong thế giới của những người sống bằng nghề livestream (phát sóng trực tiếp). Đây là công việc ngày càng phổ biến trong xã hội.
Hoạt động của giới này có những nét pha trộn giữa showbiz và truyền thông. Có những người do duyên may mà trở nên nổi tiếng, giàu có, được xã hội thừa nhận. Công việc nào cũng có tai nạn nghề nghiệp và nghề đặc biệt nên tai nạn cũng đặc biệt… Tóm lại có nhiều đất để phim ảnh khai thác.
Live: #PhátTrựcTiếp thuộc kiểu phim khái quát một vài khía cạnh trong đời sống và phóng đại lên để tạo kịch tính, cụ thể ở đây là một loại công việc mới xuất hiện trong xã hội đang còn gây tò mò. Có thể thấy Khương Ngọc đạo diễn bước đầu khá chắc tay. Phim tạo được không khí bức bách, căng thẳng và khá kinh dị dù không có yếu tố kỳ ảo. Dàn diễn viên diễn xuất đồng đều ở mức khá trở lên. Rất nhiều cái tên đang có sức hút xuất hiện trong phim này nhưng hầu hết chỉ ở vai trò khách mời. Vì chuyện phim đơn giản chỉ xoay quanh vài nhân vật.
Điểm yếu của phim nằm ở kịch bản. Đoạn đầu kể trọn vẹn một câu chuyện lấy đề tài mukbang- một kiểu livestream ăn thùng uống vại phổ biến thời gian gần đây. Các streamer trong phim không làm việc đơn lẻ mà có trụ sở hẳn hoi. Ở đó mỗi người được cung cấp một cabin để làm việc. Họ kiếm tiền qua mỗi bông hoa tương đương trăm nghìn đồng do khách tặng. Họ cũng tranh thủ quảng cáo sản phẩm trong khi ăn. Mục tiêu của các streamer trong phim thu hút nhiều người theo dõi, trở thành các KOL (người dẫn dắt dư luận) để có được những hợp đồng quảng cáo lớn.
Trong phần đầu, Trúc (Ngọc Phước) - cô gái sắp phải ra đường vì nợ tiền thuê nhà - quyết định bằng mọi giá đối đầu với “nữ hoàng ngực khủng” Emi. Đây là một vai rất hợp với Ngân 98. Emi là người ăn là phụ khoe ngực là chính để giành chiến thắng trong cuộc thi gay cấn xem ai ăn nhiều, cũng như được nhiều người tặng tiền hơn. Cái kết kinh hoàng khá bất ngờ, hoàn toàn có thể khai thác thêm nhưng phim đã chuyển phắt sang câu chuyện khác.
Cứ tưởng phim làm theo kiểu chùm thường là 3 chuyện cùng chủ đề. Nhưng câu chuyện thứ hai choán hết thời lượng song lại không đi đến đâu cả. Hoàng Review (Quốc Khánh) xuất hiện ở phần đầu trở thành nhân vật chính của phần tiếp. Phần này tập trung vào lĩnh vực phê bình sản phẩm nhưng vẫn chỉ là đồ ăn. Mảng này dễ dàn dựng và ít động chạm hơn cả.
Phim chỉ ra đằng sau các ngôi sao livestream đều có những thế lực giật dây, vừa tạo điều kiện cho các streamer làm việc đồng thời cũng bóc lột, lợi dụng họ một cách tinh vi. Nhưng tất cả chỉ mới dừng lại ở đó. Quyền lực của các ông chủ lớn hoàn toàn lẩn khuất trong bóng tối.
Hoàng có lượt người theo dõi khủng. Một lần Hoàng chê bánh mì kẹp dùng nguyên liệu hết đát gây đau bụng bị cư dân mạng gán ghép với cái chết nghi tự tử của chủ quán. Và toàn bộ phần phim còn lại đi vào mô tả những bi kịch nối tiếp xảy đến với Hoàng trong khi anh không phải thủ phạm. Phần này lột tả mặt trái của thế giới ảo khiến cho con người trở nên say sưa với quyền lực đám đông và sử dụng nó để đàn áp cá nhân. Trong phim có vẻ như hầu hết con người đã bị tẩy não, hoàn toàn không có khả năng tự phân tích. Trong hoàn cảnh này, tất nhiên Hoàng sẽ khó có thể tìm ra lối thoát…
Nhà làm phim cũng không định giải cứu nhân vật. Câu chuyện phần hai quá đơn giản, khiên cưỡng và bỏ lửng giữa chừng một cách khó hiểu. Kiểu như đến đó tác giả hết hứng không muốn nghĩ tiếp, làm tiếp nữa.
Bộ phim do đó là một tổng thể chắp ghép vội ra rạp một cách đáng tiếc. Tác giả đã xử lý tốt câu chuyện đầu tiên nhưng khi mở rộng bối cảnh và các tuyến nhân vật, có cảm giác họ dần bị mất phương hướng và buông xuôi.