Phật tử Triệu Phong lan tỏa thông điệp 'Vì Hòa bình'
Những ngày đầu tháng 4, tại chùa An Trú (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong), một công trình bằng tre công phu, ấn tượng, đầy tính nghệ thuật đã dần hoàn thiện, thu hút sự chú ý của nhiều người. Đây là nơi Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) huyện Triệu Phong tổ chức lễ Phật đản PL.2568 vào ngày 12/5/2024.
Từ vật liệu tự nhiên gần gũi
Những năm qua, phật tử huyện Triệu Phong đã thực hiện nhiều công trình bằng tre nhân các kỳ lễ Phật đản. Tre là loại cây gần gũi trong đời sống, là vật liệu thân thuộc với những vùng nông thôn. Đặc tính của tre vừa dẻo dai, vừa bền bỉ, nên có thể tạo ra nhiều vật dụng và các công trình mang tính thẩm mỹ.
Năm nay, ngay từ đầu tháng 2, phật tử huyện Triệu Phong đã bắt tay vào thực hiện công trình mô phỏng đền tháp Đại giác (trong quần thể Bồ đề Đạo tràng ở Ấn Độ, đã được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 2002). Công trình sử dụng khoảng 700 cây tre và 50 cây cau, tất cả đều là vật liệu tự nhiên gần gũi nên việc thao tác thực hiện không quá khó, song lại có thể tạo nên một tác phẩm công phu với chiều cao 40 m, rộng 9 m.
Điều đáng nói, công trình nghệ thuật này được thực hiện bởi những người nông dân. Mọi người tranh thủ khoảng thời gian nhàn rỗi giữa mùa vụ để cùng nhau thực hiện với tâm nguyện cúng dường đại lễ Phật đản. Đông đảo phật tử các giới của huyện Triệu Phong đã tự nguyện đóng góp công sức vào đây, ai cũng hồ hởi tham gia, ước tính khoảng 500 công thợ chính. Ngoài ra còn có các bà, các chị cũng hỗ trợ phục vụ nước uống; các em nhỏ cùng dọn dẹp vệ sinh xung quanh.
Quá trình thực hiện ròng rã hai tháng trời bất chấp thời tiết mưa nắng cực đoan. Bà con phật tử đã lên ý tưởng, thiết kế tính toán các phần sao cho khớp nhau, rồi từ đó phân chia công việc để làm. Việc thực hiện đã tăng thêm tinh thần đoàn kết, qua đó giúp mọi người biết yêu thương nhau, yêu lao động. Dùng tre làm vật liệu chính cũng là cách để mọi người hiểu thêm về nguồn vật liệu tự nhiên sẵn có, chi phí rẻ, lại dễ phân hủy, qua đó nâng cao ý thức tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Anh Nguyễn Đăng Lễ, một trong những người phụ trách chính, cho biết thêm về ý tưởng thực hiện: Công trình mô phỏng đền tháp Đại giác của Bồ đề Đạo Tràng, một trong bốn địa điểm quan trọng trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca. Tuy vậy, đa phần chỉ biết thông tin chứ không có điều kiện chiêm ngưỡng trực tiếp. Vì thế công trình sẽ giúp mọi người, đặc biệt là các em phật tử nhỏ tuổi hình dung về nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo, từ đó hiểu thêm về cách sống từ bi yêu thương.
“Tâm bình thế giới bình”
Đó là nhấn mạnh trong Thông điệp Phật đản PL.2568 năm nay của Đức Pháp chủ GHPG Việt Nam. Theo thông điệp này, “thế giới hôm nay đang chịu nhiều khổ đau do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và xung đột. Chiến tranh làm cho nhân loại vốn đã khổ đau càng thêm đau khổ, hận thù tiếp nối hận thù, con người phải sống trong nỗi bất an và sợ hãi. Nguy cơ của vũ khí hủy diệt đang đe dọa khắp hành tinh thân yêu của chúng ta, hủy diệt sự sống của nhân loại...”. Chính vì thế mùa Phật đản là mùa của yêu thương và hiểu biết, kêu gọi mọi người tịnh hóa tâm thức; chuyển hóa tham, sân, si để cùng chung sống hòa bình, an lạc.
Đại đức Thích Nguyên Mãn, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Triệu Phong cho biết thông điệp của Đức Pháp chủ cũng là mong muốn chung của con người khắp nơi trên trái đất. Lễ Phật đản năm nay Giáo hội huyện Triệu Phong cũng chú trọng để nhân lên ý nghĩa về hòa bình, vì thế trong chương trình có nghi thức thả bồ câu và bong bóng nguyện cầu thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Bên cạnh đó, các em nhỏ cũng được giáo dục về tình yêu thương thông qua cuộc thi vẽ tranh. Các bức tranh hồn nhiên, dễ thương được trưng bày tại khu vực diễn ra lễ Phật đản như những tác phẩm nghệ thuật truyền đi thông điệp nhân văn về tình yêu quê hương, bảo vệ môi trường, tránh xa các tệ nạn, an toàn giao thông...
Trong 2 ngày hội trại họp bạn của thanh thiếu nhi phật tử, mọi người sẽ cùng nhau lan tỏa năng lượng yêu thương, trao đổi những câu chuyện về cách sống tử tế, các em nhỏ sẽ được khuyên nhủ bỏ ác làm lành. Chương trình lễ Phật đản còn có tọa đàm về cuộc đời Đức Phật, hội thi Theo dấu chân Phật để mọi người hiểu thêm về hành trình của một con người lịch sử luôn khát khao từ bi cho nhân loại.
“Sắp tới đây, tỉnh Quảng Trị lần đầu tiên tổ chức lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, các hoạt động trong chương trình lễ Phật đản và công trình tre của Giáo hội Phật giáo Triệu Phong cũng không nằm ngoài mục đích lan tỏa thông điệp ấy. Bởi vì người phật tử luôn đồng hành với quê hương, sống tốt đời đẹp đạo”, Đại đức Thích Nguyên Mãn chia sẻ thêm.