Phẫu thuật lấy khối u lách khổng lồ cho bệnh nhân 24 tuổi.
Các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực và Đơn nguyên Ung Bướu, Bệnh viện Xanh Pôn vừa phẫu thuật thành công ca u lách khổng lồ nặng 2,3kg cho bệnh nhân 24 tuổi.
Ngày 19-9, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, bệnh nhân tên C. 24 tuổi, trước đó khoảng 2 tháng, bệnh nhân phát hiện môt khối lớn vùng hạ sườn trái, có thể tự sờ thấy được. Khối lớn ngày càng to dần khiến bệnh nhân đau tức, sút cân kèm theo xuất hiện nổi hạch bẹn 2 bên.
Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Xanh Pôn, kết quả xét nghiệm máu và chụp cộng hưởng từ cho thấy C có khối u lách khổng lồ và được chỉ định phẫu thuật.
Trong quá trình Phẫu thuật, các bác sỹ phát hiện u lách to gần chiếm hết nửa ổ bụng trái, nặng 2,3 kg, kèm nhiều hạch mạc treo lớn, hạch quanh lách, rốn gan, khối u lớn xâm lấn một phần đuôi tụy. Bệnh nhân được cắt lách, cắt đuôi tụy và nạo vét hạch.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy C bị U lympho non Hogkin biểu hiện tại lách. 5 ngày sau phẫu thuật, Bệnh nhân đã ăn uống, đi lại sinh hoạt bình thường và tiếp tục được điều trị hóa chất.
Ung thư lá lách là ung thư phát triển tại lách - cơ quan nằm vùng hạ sườn trái, một bộ phận lớn nhất của hệ bạch huyết trong cơ thể
Ung thư lách có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Ung thư lách nguyên phát là các tế bào ung thư phát triển từ lách. Ung thư lách thứ phát là các tế bào ung thư xuất phát từ các cơ quan khác, di căn đến lách, đa số là lymphoma – u lympho và Lơ-xơ- mi (bệnh bạch cầu cấp)
Triệu chứng của ung thư lách là: Lách to, tăng kích thước, có thể sờ thấy ở vị trí dưới sườn trái, lan ra đến rốn; cảm giác đầy bụng sau ăn và đau ở vị trí dưới sườn trái, sau lan ra khắp bụng; bệnh nhân bị nhiễm trùng nhiều lần, dai dẳng; chảy máu chân răng, chảy máu âm đạo nhiều khi hành kinh, các nốt xuất huyết bầm tím dưới da; bệnh nhân da xanh xao, người mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt và gầy sút cân không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: Nổi hạch to, sốt, ra mồ hôi nhiều hoặc ớn lạnh, đau ngực, ho hoặc khó thở…
Theo khuyến cáo của bác sĩ, hiện không có biện pháp phòng ngừa ung thư lách đặc hiệu, nhưng có thể giảm các yếu tố nguy cơ lách theo các cách sau: Quan hệ tình dục an toàn: tránh lây nhiễm HIV, EPV….;Điều trị các nhiễm trùng triệt để; Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại: benzen thường sử dụng trong sản xuất nhựa, cao su, thuốc nhuộm, chất tẩy rửa và thuốc trừ sâu. Duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống lành mạnh; Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia.
Khi nghi ngờ bệnh nhân mắc ung thư lách, bác sỹ sẽ chỉ định làm xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng và công thức các hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.