Phẫu thuật thành công bệnh nhân chấn thương hàm mặt phức tạp do tai nạn giao thông

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có nhiều vết thương sâu, dài ở vùng hàm mặt, máu chảy nhiều. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân bị gãy ụ cằm, gãy lồi cầu xương hàm dưới 2 bên.

Thông tin từ BVĐK thị xã Phú Thọ cho biết, thầy thuốc Khoa Ngoại tổng hợp đã phẫu thuật thành công trường hợp bệnh nhân Đ.G.C. (24 tuổi) bị chấn thương hàm mặt phức tạp do tai nạn giao thông.

Bệnh nhân C. nhập viện trong tình trạng có nhiều vết thương sâu, dài ở vùng hàm mặt, máu chảy nhiều. Kết quả chụp cắt lớp vi tính hàm mặt có dựng hình 3D và dựng hình theo mặt phẳng không gian ba chiều cho thấy bệnh nhân bị gãy ụ cằm, gãy lồi cầu xương hàm dưới 2 bên.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đánh giá, đây là tổn thương vùng hàm mặt phức tạp có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng cũng như cấu trúc khuôn mặt. Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật kết hợp xương hàm xâm lấn tối thiểu sử dụng nẹp vít Titanlium, cố định khớp cắn bằng vít NEO.

Các bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Phú Thọ

Các bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Phú Thọ

Ca phẫu thuật thực hiện thành công, xương gãy đã được các bác sĩ đã nắn chỉnh về vị trí giải phẫu, cố định vững chắc ổ gãy, trong đó cố định vị trí gãy lồi cầu bằng nẹp vít Titalium là kỹ thuật khó.

Sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt, nói chuyện được, khớp cắn đúng.

Theo TS.BS. Phạm Thị Việt Dung, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội, theo thống kê, tại Việt Nam tỷ lệ tai nạn giao thông còn cao, các chấn thương hàm mặt thường gặp từ đơn giản đến phức tạp. Sau khi được điều trị cấp cứu ban đầu, một số vẫn để lại di chứng cả về chức năng lẫn thẩm mỹ và tâm lý cho người bệnh. Di chứng do chấn thương hàm mặt có thể do tổn thương ban đầu hoặc di chứng sau phẫu thuật.

Các di chứng ảnh hưởng đến chức năng bao gồm: Nhìn đôi (song thị), bệnh nhân nhìn thấy 2 hình ảnh của sự vật, ảnh hưởng đến khả năng đọc, đi lại. Nguyên nhân do lệch trục nhãn cầu, do kẹt các cơ vận động nhãn cầu vào đường gãy xương ổ mắt; Hạn chế vận động nhãn cầu, lác mắt: Do cơ vận động nhãn cầu kẹt vào đường gãy xương ổ mắt, trong đó gãy xương ở bờ dưới ổ mắt là hay gặp nhất;

Sẹo mi dưới gây trễ mi dưới có thể dẫn đến khô giác mạc, loét giác mạc; Sẹo mi trên co kéo gây hở mi, hếch mi; Quặm mi dưới: mi dưới lộn vào trong làm cho lông mi đâm vào giác mạc, bệnh nhân thường xuyên chảy nước mắt, có thể dẫn đến viêm giác mạc. Nguyên nhân do sẹo gây co rút bản trong của mi mắt;

Chảy nước mắt thường xuyên hoặc viêm túi lệ do chấn thương lệ đạo; Cứng khớp thái dương hàm hoặc hạn chế vận động khớp thái dương hàm: Biểu hiện bằng hạn chế há miệng, là di chứng chấn thương gãy lồi cầu xương hàm dưới, hoặc do tập luyện kém sau phẫu thuật; Lệch khớp cắn: do lệch tâm của cung răng hàm trên và hàm dưới, làm hạn chế chức năng ăn nhai;

Ảnh hưởng tới chức năng mũi xoang: ngạt mũi, mất ngửi; Viêm xoang mạn tính; Di chứng tổn thương tuyến nước bọt mang tai: Rò nước bọt, u nang tuyến nước bọt, viêm tuyến nước bọt, đau mạn tính; Tổn thương các thần kinh vùng mặt: Tổn thương thần kinh VII, tổn thương các nhánh cảm giác vùng mặt: gây tê vùng chi phối của dây thần kinh.

Cũng theo TS.BS. Phạm Thị Việt Dung, ngoài di chứng ảnh hưởng đến chức năng thì chấn thương hàm mặt còn để lại các di chứng ảnh hưởng thẩm mỹ như: Biến dạng khuôn mặt; Biến dạng mắt; Biến dạng môi trên, môi dưới; Sẹo vùng mặt.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phau-thuat-thanh-cong-benh-nhan-chan-thuong-ham-mat-phuc-tap-do-tai-nan-giao-thong-169221208091201476.htm