Phẫu thuật thành công sản phụ bị rau cài răng lược xâm lấn bàng quang
Thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, phẫu thuật thành công một sản phụ mang thai 39 tuần bị rau cài răng lược xâm lấn bàng quang. Đây là một trong những trường hợp khó trong sản khoa và có nhiều nguy cơ tai biến trong phẫu thuật.
Theo đó, ngày 9/6/2021, Khoa Sản - Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Tuyết M, 39 tuổi, trú tại xã Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình).
Các bác sĩ tiến hành thăm khám, xét nghiệm, siêu âm và chẩn đoán sản phụ mang thai lần 3, tuổi thai 39 tuần/vết mổ đẻ cũ bị rau cài răng lược thể Percrata xâm lấn bàng quang một phần trên cơ địa thiếu máu và bệnh nhân thuộc nhóm máu B.
Nhận định đây là trường hợp khó và có nhiều nguy cơ xảy ra tai biến trong mổ. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn toàn viện gồm Sản khoa, ngoại Thận tiết niệu (Ngoại TTN), Gây mê hồi sức (GMHS) và Huyết học Truyền máu cùng lên phương án hồi sức trước, trong và sau phẫu thuật cho sản phụ.
Ngày 11/6/2021, sau khi truyền máu và cung cấp dinh dưỡng tốt cho sản phụ. Kíp phẫu thuật Sản khoa, Ngoại TTN, GMHS đã phẫu thuật thành công lấy ra cháu trai nặng 2900g và đã hạn chế tối đa lượng máu mất với sản phụ. Hiện tại, cả mẹ và con trong tình trạng ổn định.
TS.BS. Trần Sơn Trà- Trưởng khoa Sản cho biết, do đã lập kế hoạch từ trước nên kíp mổ của chúng tôi phối hợp rất nhịp nhàng. Các bác sĩ GMHS đã tiến hành gây mê nội khí quản, đặt catheter tĩnh mạch trung ương và huyết áp động mạch xâm lấn nhằm kiểm soát tốt nhất huyết động của bệnh nhân.
Bác sĩ Ngoại TTN tiến hành đặt sonde JJ hai niệu quản. Sau đó chúng tôi tiến hành mổ dọc thân tử cung lấy thai, thắt động mạch hạ vị, bóc tách mạch máu tân sinh và gai rau cài bàng quang, cắt tử cung hoàn hoàn. Trong ca phẫu thuật, bệnh nhân được truyền kịp thời 04 đơn vị hồng cầu khối, 3 đơn vị plasma tươi đông lạnh, 1 đơn vị tiểu cầu máy. Đồng thời, các bác sĩ đã sử dụng một số thuốc và kỹ thuật cần thiết đề phòng rối loạn đông máu và toan chuyển hóa cho sản phụ.
"Phụ nữ có rau tiền đạo và mổ đẻ cũ có nguy cơ rau cài răng lược tăng lên cùng với số lần mổ lấy thai của sản phụ. Nguy cơ của rau cài răng lược là chảy máu ồ ạt khi lấy rau dẫn đến băng huyết và đe dọa tính mạng của sản phụ. Các sản phụ có tiền sử mổ đẻ cũ, mổ bóc nhân xơ tử cung cần được chẩn đoán sớm có rau cài răng lược hay không? Nếu có, cần theo dõi thai định kỳ, mổ lấy thai chủ động ở tuần thứ 34-36. Phẫu thuật rau cài răng lược nên thực hiện tại các bệnh viện, nơi đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm." TS.BS Trà chia sẻ