Phê bình để đoàn kết
Ông A. kể với bạn trà của mình rằng, trong thôn có ông X. mới nghỉ hưu sớm, tính tình thay đổi nhiều so với khi đang công tác.
Cách nhìn nhận, đánh giá, phê bình mọi người, mọi việc của ông X. có xu hướng cực đoan hơn; sự gần gũi sẻ chia việc xóm làng ít hẳn. Thay vào đó, ông X. quyết liệt, truy đến cùng khi thấy việc chưa như ý, chưa “tròn” trong các hoạt động cộng đồng, đoàn thể ở khu dân cư, dù việc nhỏ đến đâu. Từng có cán bộ thôn sơ suất nhỏ trong công việc, xóm làng vui vẻ cảm thông, nhưng đã bị ông X. làm đơn tố cáo gửi nhiều nơi, yêu cầu xử lý kỷ luật và có những lời lẽ đánh giá không phù hợp. Thậm chí, ngay cả khi vụ việc đã được giải quyết từ lâu, ông vẫn không thỏa mãn, mà cho rằng cần phải xử lý nặng hơn nữa…
Xu hướng phản ứng tiêu cực của ông X. khiến cho mỗi cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ gần đây trở nên nặng nề. Mọi người sau nhiều lần bị ông X. phản ứng thái quá, “dội nước lạnh” vào ý kiến, thì ngại đề xuất hơn… Không khí vui vẻ hòa đồng, tinh thần đoàn kết ở khu dân cư có phần giảm sút, bởi ai cũng e dè, biết đâu lỡ lời, sơ suất lại thành chuyện lớn. Một vài đảng viên thân thiết lựa lời, lựa dịp tâm sự, vì nghĩ rằng do ông X. mới nghỉ hưu, thay đổi nhịp sống nên có chút khủng hoảng tinh thần, nhưng không hiệu quả. Nhiều khi, bạn bè đồng chí đến thăm, chuyện trò tâm sự cuối cùng lại thành tranh luận, rồi giận nhau thêm...
Người bạn của ông A. nãy giờ ngồi lặng yên nghe, chậm rãi nói:
- Phê bình để đoàn kết, tiến bộ. Nhưng những hành động, việc làm của ông X. cho thấy, đảng viên đã có tư tưởng lệch lạc; suy nghĩ, hành động cực đoan, thiếu tinh thần xây dựng; không thực hiện được vai trò tiên phong gương mẫu; quy tụ, tập hợp đoàn kết quần chúng Nhân dân… Theo tôi, cần xem xét chấn chỉnh, thực hiện giáo dục lại tư tưởng đối với đảng viên này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy phê bình mình cũng như phê bình người khác ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Ðồng thời chớ dùng những lời mỉa mai chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phê bình người”.
Cũng cần phải xem xét, tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ học tập kỹ hơn, hiểu tường tận hơn tư tưởng của Bác; để từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân thấm nhuần, học tập, làm theo...
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/208905/phe-binh-de-doan-ket