Phe chủ chiến ở Trung Quốc đòi 'kháng chiến trường kỳ' với Mỹ
Từ 'kháng chiến trường kỳ' đang ngày càng được sử dụng trên truyền thông nhà nước Trung Quốc để mô tả chiến lược đàm phán thương mại của Trung Quốc.
Nội bộ trong giới lãnh đạo Trung Quốc đang bị giằng xé trong việc chọn giải pháp xử lý cuộc xung đột thương mại với Mỹ. Phe chủ hòa với các nhà kỹ trị như Phó thủ tướng Lưu Hạc muốn xuống nước để sớm kết thúc khủng hoảng. Tuy nhiên, phe chủ chiến với các nhân vật có quan hệ mật thiết với quân đội lại không muốn nhún mình, dù chỉ một chút trước Mỹ để đạt thỏa thuận.
"Hôm nay, Trung Quốc đang chiến đấu hai cuộc chiến trên một chiến trường với Hoa Kỳ - tổng hợp các cuộc xung đột kinh tế và quân sự". Đó là phát biểu của một nhân vật điển hình trong phe chủ chiến, ông Dai Xu, một đại tá cao cấp trong lực lượng không quân Trung Quốc và một nhà bình luận về vấn đề thời sự đã nêu quan điểm hồi tháng 5. "Ông Trump trước tiên sẽ lấy tiền của Trung Quốc và sau đó lấy đi mạng sống của chúng ta", Dai bình luận hồi đầu năm.
Dai nói rằng những xung đột thương mại của Bắc Kinh với Washington đánh dấu sự khởi đầu của một "cuộc chiến kéo dài" (nguyên văn là Kháng chiến trường kỳ), một khái niệm phổ biến thời Chủ tịch Mao Trạch Đông khi Trung Quốc khổ chiến chống Nhật Bản. Hiện từ này ngày càng được sử dụng nhiều hơn trên truyền thông nhà nước Trung Quốc để mô tả chiến lược đàm phán thương mại của Trung Quốc. "Giống như trong "kháng chiến trường kỳ" trước đây, trong trường hợp này, chúng ta cũng có thể gửi những kẻ xâm lược dường như bất khả chiến bại đến địa ngục bằng những thất bại", Dai viết hồi tháng 5.
Thậm chí, trong giới chuyên gia về quan hệ quốc tế cũng có những người theo đường lối chủ chiến. "Kết quả của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không được xác định bằng cách tính xem hai nước phải chơi bao nhiêu chip (tiếng lóng là thẻ chơi bài), mà bằng khả năng chịu đựng thiệt hại của họ. Bạn có thể có nhiều chip hơn nhưng khả năng chịu thiệt hại của bạn thấp hơn của tôi". Shen Yi, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, đã viết trên một trang tin tức nhà nước vào tháng 6.
Tuy nhiên, cũng có người tỏ ra tỉnh táo để tin rằng giờ không phải là lúc nghĩ về kháng chiến trường kỳ. "Giữa Trung Quốc và Mỹ thì Mỹ vẫn là nước mạnh và Trung Quốc là nước yếu. Do đó, Trung Quốc coi trọng quan hệ Trung-Mỹ tốt hơn", Jin Canrong, phó trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân và là một trong các nhà bình luận chính sách đối ngoại nổi bật nhất của Trung Quốc, đã nêu trong các bình luận đã lan truyền vào tháng trước.
Phát biểu tại một sự kiện ở Thượng Hải, Jin tiếp tục mạnh dạn dự đoán một thỏa thuận thương mại sẽ đạt được vào cuối tháng 11 vì áp lực từ thuế quan làm giảm triển vọng kinh tế của đất nước: "Nếu chiến tranh thương mại diễn ra trong một thời gian dài và bỗng dưng các chuỗi cung ứng quan trọng rời khỏi Trung Quốc, điều đó sẽ làm tổn hại lớn đến tiềm năng phát triển trong tương lai của Trung Quốc", ông Jin nói. Quan điểm của ông Jin là điển hình cho suy nghĩ của phe chủ hòa.
Bên cạnh đó, một số nhà kinh tế Trung Quốc hiện nay hy vọng rằng nước này có thể thông qua cuộc chiến thương mại để gặt hái một ít thành tựu chính sách. Ít nhất nó sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính phải thông qua cải cách thị trường để mở rộng quy tắc đầu tư nước ngoài và mở hệ thống tài chính của Trung Quốc cho người nước ngoài tham gia. Đây là điều mà các nhà phê bình thường nói rằng việc cải cách đã tiến hành khá muộn.
"Đường lối của đảng và cũng là sự đồng thuận chung là Trung Quốc nên cởi mở hơn", Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Toàn cầu hóa, một cơ quan ở Bắc Kinh có chức năng tư vấn cho chính phủ về các vấn đề thương mại và kinh tế.
Wang nói rằng hai nước nên nhanh chóng đạt được thỏa thuận thương mại để Trung Quốc có thể tập trung năng lượng vào các chính sách như thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước. "Bạn không thể tìm kiếm một thỏa thuận hoàn hảo", Wang nói. "Tùy thuộc vào Tổng thống Trump cảm thấy chiến thắng đến vào lúc nào".