Phe diều hâu Mỹ muốn bỏ quy chế thương mại với Trung Quốc
Ba nhà lập pháp đảng Cộng hòa đề xuất lại dự luật hủy bỏ quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) giữa Washington và Bắc Kinh trong hai thập kỷ qua.
Cáo buộc Trung Quốc là lý do dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong các ngành sản xuất tại Mỹ, các Thượng nghị sĩ Tom Cotton (bang Arkansas), Jim Inhofe (bang Oklahoma) và Rick Scott (bang Florida) đã tái đề xuất dự luật về "Quan hệ Thương mại Trung Quốc", theo báo South China Morning Post.
Dự luật yêu cầu tổng thống Mỹ phê chuẩn quan hệ thương mại hàng năm, cũng như trao cho quốc hội quyền thay đổi quyết định của tổng thống.
Đây là bước đi mới nhất trong một loạt nỗ lực của phe diều hâu, theo quan điểm chống Trung Quốc, trong Quốc hội Mỹ nhằm tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Đã đến lúc chúng ta phải bảo vệ việc làm của người Mỹ và buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về những trại lao động cưỡng bức vi phạm nhân quyền của họ", ông Cotton nói.
Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Trung Quốc được Quốc hội Mỹ thông qua và được tổng thống khi đó là ông Bill Clinton ký ban hành vào năm 2000.
Quy chế này cho phép hai bên điều chỉnh quan hệ thương mại song phương theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ông Cotton và một số nhà lập pháp khác luôn tìm cách gây khó cho Trung Quốc. Họ cũng gây áp lực buộc chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden tiếp tục duy trì đường lối cứng rắn với Bắc Kinh.
PNTR dễ dàng trở thành mục tiêu, vì ban đầu quy chế này được xem là cách để đưa Trung Quốc đến gần hơn với các quy chuẩn kinh tế và chính trị mà Washington ủng hộ.
Tuy nhiên, Washington ngày càng trở nên khó chịu với các chính sách của Bắc Kinh trên mặt trận thương mại và nhân quyền.
Điều này củng cố quan điểm của các nhà lập pháp Mỹ, rằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ không khiến nước này trở thành đồng minh thân thiết hơn của Mỹ.
"Tôi nói điều đó 20 năm trước và bây giờ sẽ nói lại lần nữa: Chúng ta không thể để việc chạy theo thương mại khiến mình mù quáng trước những thực tế nhất định về chính quyền ở Trung Quốc", Thượng nghị sĩ Inhofe nói.
"Việc chấm dứt quan hệ thương mại vĩnh viễn mà chúng ta ưu ái cho Trung Quốc sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới nước này, và cũng giúp ích cho công nhân Mỹ", ông Infohe nói.
Dự luật được các thượng nghị sĩ tái đề xuất ngay khi chính quyền Biden chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao đầu tiên với Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, cùng Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị hôm 18/3 bắt đầu hai ngày hội đàm tại Anchorage, Alaska. Đây là lần gặp chính thức đầu tiên giữa quan chức cấp cao hai nước kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1.
Ba nhà lập pháp Cotton, Inhofe và Scott đã bảo trợ hoặc ủng hộ nhiều dự luật nhắm vào Trung Quốc trong những năm gần đây, khi mối quan hệ song phương xấu đi nhanh chóng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Những nỗ lực của ông Cotton bao gồm một dự luật cho phép người Mỹ kiện Trung Quốc ra tòa án liên bang về những thiệt hại do đại dịch Covid-19. Dự luật chưa bao giờ được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện.
Tháng trước, Hạ viện Mỹ trình lại dự luật cấm nhập khẩu toàn bộ hàng hóa có nguồn gốc từ khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, do lo ngại về tình trạng lao động cưỡng bức tràn lan ở đó.