Phê duyệt 9 gói thầu trong 3 ngày và chuyện thi công ở Dự án kênh Tham Lương

Được khởi công vào tháng 2/2023, giai đoạn 2 của Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đặt mục tiêu sẽ hoàn thành vào năm 2025. Đi qua địa bàn 7 quận, huyện với chiều dài toàn tuyến gần 32km, tổng mức đầu tư lên đến 8.200 tỷ đồng với vai trò giúp tiêu thoát nước, chống ngập úng và cải thiện môi trường cho khu vực có diện tích 14.900ha nên dự án càng cần phải được về đích đúng hoặc trước thời hạn.

Nhưng đến nay, khi thời gian hoàn thành chỉ còn không nhiều, dự án vẫn đang ngổn ngang dù trước đó, giai đoạn 1 của dự án TP Hồ Chí Minh đã đầu tư để giải phóng mặt bằng, thi công nạo vét kênh, thông tuyến dòng chảy, đắp bờ đất hai bên kênh… trong khi giai đoạn 2 với thời gian hơn 2 năm, dự án chỉ còn phải tập trung thi công nạo vét lòng kênh, đóng kè bê tông dự ứng lực hai bên bờ kênh, xây dựng đường giao thông có bề rộng từ 7-12m dọc hai bên tuyến kênh, làm hệ thống hạ tầng kỹ thuật thu gom nước mưa, nước thải, công viên cây xanh và hệ thống chiếu sáng…

Khối lượng công việc hiện còn rất nhiều trong khi mốc thời gian phài hoàn thành dự án không còn dài, nhưng đến nay nhiều đoạn kè vẫn chưa được nhà thầu làm xong. Những đoạn được gọi là công trường thi công của các nhà thầu, tình trạng chỉ có lèo tèo một vài nhóm công nhân năm, ba người điều khiển máy xúc, xe cần cẩu, xe lu… tham gia thi công diễn ra suốt thời gian qua. Phương tiện cơ giới được huy động vào thi công liên tục bị để nằm bất động dài ngày tại nhiều mũi.

Đào đường nhưng không rào chắn, không thi công trong nhiều ngày ở đoạn kênh Tham Lương ngay phía trước một trường tiểu học.

Đào đường nhưng không rào chắn, không thi công trong nhiều ngày ở đoạn kênh Tham Lương ngay phía trước một trường tiểu học.

Ở những đoạn đã được kè bờ xong như địa bàn quận Gò Vấp, trong khi nhà dân, trường học, công ty xí nghiệp quay mặt ra phía mặt kênh dày đặc, thì việc thi công hết sức tắc trách. Tuyến đường lưu thông ven kênh trước đây được đơn vị đào đất, móc lên sâu hoắm từng đoạn dài để đặt cống thoát nước, song việc đảm bảo an toàn cho người dân lại hết sức sơ sài, thậm chí nhiều đoạn không được che chắn.

Ngoài số cừ bê tông dự ứng lực được vận chuyển từ nơi khác đến để kè bờ kênh, thì các cấu kiện bê tông đúc sẵn khác như miệng hố ga, lắp cống, bê tông nối đầu cống thoát nước… được nhà thầu tận dụng đan sắt, đổ ngay tại khu vực công trường. Ông Toàn, một kỹ sư xây dựng sinh sống gần khu vực kênh Tham Lương nhận xét, sau thời gian ngắn ồ ạt ép cừ bê tông cả ngày lẫn đêm, thời gian qua việc thi công luôn ở trong trạng thái cầm chừng.

Khi dự án đang bước vào thời kỳ chạy “nước rút” về đích, thì việc ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh - chủ đầu tư dự án trên đã vắng mặt nhiều ngày ở cơ quan. Điều này khiến Chủ tịch UBND thành phố phải bố trí cấp phó điều hành thay từ ngày 1/10 để đảm bảo hoạt động bình thường cho dự án trên và một loạt các dự án do BQL này làm chủ đầu tư.

Tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án thi công cầm chừng trong khi khối lượng công việc còn rất nhiều, chúng tôi còn được biết chỉ trong vòng 3 ngày, liên danh giữa Công ty TNHH Xây dựng và khảo sát công trình Thanh Tuấn (Công ty Thanh Tuấn) và các công ty tham gia liên danh trúng thầu 9 gói xây lắp của Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Cụ thể, ngày 19/12/2022, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đã ký quyết định phê duyệt cho liên danh giữa Công ty Thanh Tuấn, Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty CP Công trình cầu phà TP Hồ Chí Minh, Công ty CP Đầu tư phát triển XD TM Thới Bình, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát, Công ty TNHH Hoàng Lam trúng gói thầu XL-02, xây dựng đoạn kênh từ cầu đường C đến cầu Bà Hom với chiều dài 2,3km, tổng giá trị gần 503 tỷ đồng.

Cùng ngày, liên danh giữa Công ty Thanh Tuấn và các công ty tham gia nhận được 6 quyết định phê duyệt cho liên danh Công ty Thanh Tuấn và các công ty như Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát, Công ty CP Xây dựng thương mại Thới Bình, Công ty CP Xây dựng 201, Công ty CP Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương, Công ty CP Hải Đăng, Công ty TNHH Xây dựng Văn Phôn, Công ty CP Công trình cầu phà TP Hồ Chí Minh, Công ty CP Xây dựng thương mại Phương Nguyệt, Công ty CP Phát triển XD và TM Thuận An, Công ty CP Xây dựng vận tải Hoàng Ngân, Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Nguyễn Lê, Công ty CP Công trình giao thông Công Chánh, Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP, Công ty CP Xây dựng Quang Đại Việt… trúng 6 gói thầu thuộc Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Tổng trị giá 6 gói thầu mà liên danh giữa Công ty Thanh Tuấn với các công ty trên trúng lên đến gần 3.191 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đây, chỉ 2 ngày sau khi trúng 7 gói thầu với giá trị khá lớn, ngày 21/12/2022, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng tiếp tục ký 2 quyết định phê duyệt cho liên danh của Công ty Thanh Tuấn trúng tiếp 2 gói thầu trong dự án trên với tổng trị giá hơn 2.142 tỷ đồng. Việc cùng với liên danh trúng liên tiếp 9 gói thầu của một dự án trọng điểm với giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, chiếm gần 3/4 tổng mức đầu tư giai đoạn 2 của dự án khiến dư luận cho rằng Công ty Thanh Tuấn phải có năng lực, kinh nghiệm thi công hàng đầu. Nhưng ngược lại, trước đó công ty này còn đang “bê bết” với dự án xây dựng 4 đoạn đê bao xung yếu khu vực TP Thủ Đức. Ngoài ra, vào thời điểm trúng thầu một loạt gói ở dự án trọng điểm này, Công ty Thanh Tuấn còn đang tham gia nhiều gói thầu ở các địa phương khác.

Danh sách các doanh nghiệp tham gia trong liên danh thì hùng hậu như vậy, nhưng qua thời gian dài theo dõi việc thi công dự án, PV ít thấy hoặc hầu như không thấy các doanh nghiệp trong liên danh trúng thầu treo biển tên công ty một cách công khai ở các mũi thi công.

Trước nghi ngờ của dư luận rằng phần “nạc” của 9 gói thầu trên là việc thi công kè bờ kênh Tham Lương bằng cừ bê tông được làm trước, còn những phần việc “xương xẩu” đang bị bỏ lại vì Công ty Thanh Tuấn có thế mạnh là nhà máy đúc cừ bê tông dự ứng lực, BQL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị vẫn chưa có câu trả lời.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/phe-duyet-9-goi-thau-trong-3-ngay-va-chuyen-thi-cong-o-du-an-kenh-tham-luong-i747210/