Phê duyệt Đề án chuyển đổi số năm 2025

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 1723/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang năm 2025.

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin để tạo lập, phát triển, kết nối, chia sẻ dữ liệu số tạo tiền đề phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số dựa trên kết quả Đề án 06, gắn với cải cách hành chính và phát triển đô thị thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền và chất lượng dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chỉ số đánh giá về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số năm 2025; thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 433-NQ/TU ngày 04/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 111-NQ/TU của Tỉnh ủy.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kế hoạch đặt mục tiêu năm 2025, về phát triển chính quyền số, 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh được kết nối, chia sẻ; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Trên 60% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 80% hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình/tổng số hồ sơ thuộc TTHC toàn trình.

100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. 100% kết quả giải quyết TTHC của cá nhân được lưu trữ điện tử với số định danh cá nhân là một thông tin bắt buộc phục vụ cho kết nối, chia sẻ, tái sử dụng. 99% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC. 100% hồ sơ về dân cư được tạo, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100%. 100% hệ thống camera giám sát tại bộ phận một cửa điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã kết nối với Trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu hệ thống camera an ninh tỉnh Bắc Giang để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Tập trung đầu tư xây dựng 02 đô thị theo hướng đô thị thông minh tại thành phố Bắc Giang và thị xã Việt Yên. Thành phố Bắc Giang có chỉ số về đô thị thông minh trong nhóm 15 thành phố trực thuộc tỉnh đứng đầu cả nước.

Phát triển kinh tế số kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực đạt tối thiểu 15%. Năng suất lao động hằng năm tăng trên 12,5%. Phấn đấu có trên 800 doanh nghiệp số. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt trên 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%. Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Về phát triển xã hội số phấn đấu tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%. Tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 70%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50%. Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30%.

Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 95%; 100% hồ sơ về dân cư trên địa bàn tỉnh được tạo, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số. Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử.

Công khai giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá khám chữa bệnh. Tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 80%. Tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 70%. Mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, học liệu số.

An toàn thông tin mạng: 100% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin. Trên 85% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu bảo vệ an toàn thông tin mạng theo cấp độ. 80% người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đề ra các giải pháp chủ yếu gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác truyền thông về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết TTHC.

Thúc đẩy liên kết, hợp tác quốc tế về chuyển đổi số, tổ chức hội thảo, xây dựng chương trình hợp tác, huy động nguồn lực, đào tạo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ số, nhất là với các đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến và có chương trình ký kết, thỏa thuận hợp tác với tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Huy động nguồn lực doanh nghiệp trong triển khai chuyển đổi số qua hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, hợp tác công tư; cung cấp dữ liệu mở để tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tạo ra sản phẩm mới.

TS

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phe-duyet-de-an-chuyen-doi-so-nam-2025-222742.bbg