Phê duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh Khánh Hòa.
Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (gọi tắt là nuôi biển) tỉnh Khánh Hòa theo hướng đảm bảo 3 mục tiêu: góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; Bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ; Bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.
Thời gian thí điểm nuôi biển công nghệ cao đến hết năm 2029. Tại vùng biển đến 3 hải lý: diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 240 héc ta, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn. Vùng biển từ 3-6 hải lý, diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 200 héc ta, sản lượng đạt hơn 5.100 tấn.
Đề án ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo giống phục vụ nuôi biển phù hợp với kế hoạch phát triển của tỉnh, tập trung: Nhóm cá biển, nhuyễn thể, rong biển… Đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống thủy sản, đặc biệt quan tâm bảo vệ, khai thác hợp lý đối với một số giống loài nuôi biển đang phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên như tôm hùm, đảm bảo không xâm hại đến nguồn lợi tự nhiên và phát triển bền vững.
Tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến như internet kết nối vạn vật giám sát vật nuôi và an ninh, công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ cho ăn tự động, công nghệ giám sát môi trường tự động, công nghệ vật liệu mới vào nuôi biển nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và phát triển xanh. Tiến tới xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc cảnh báo sớm môi trường, dịch bệnh nghề nuôi biển một cách chủ động, hạn chế rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững...
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Khánh Hòa có rất nhiều điều kiện tự nhiên, cơ chế, chính sách thuận lợi để thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao. Trước đó, từ năm 2023, địa phương này đã thí điểm thành công một số mô hình nuôi tại vùng biển ở thành phố Cam Ranh.
“Khánh Hòa có lợi thế rất lớn, có Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội cũng có Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù. Khánh Hòa cũng có chiều dài bờ biển dài đến 385 km. Khánh Hòa đi trước thí điểm nuôi biển, chế tạo những lồng bè không khác gì Na Uy, đem lại hiệu quả cao. Triển khai đề án thí điểm nuôi sẽ phát huy được lợi thế nuôi biển, góp phần phát triển kinh tế biển, gỡ thẻ vàng trong thời gian sớm nhất”.