Phê duyệt giá dịch vụ tại cơ sở khám, chữa bệnh công lập sẽ gỡ khó cho y tế công?

Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên phê duyệt Quy định giá dịch vụ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn. Mức giá dịch vụ mới được Quảng Nam xây dựng theo phương án nào? Báo Sức khỏe và Đời sống đã phỏng vấn TS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam.

PV: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ 1/1/2024) quy định các tỉnh, thành phố phải tự xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh, Quảng Nam là địa phương đầu tiên của cả nước đã phê duyệt giá dịch vụ y tế tại cơ sở khám chữa bệnh, xin bác sĩ chia sẻ về kinh nghiệm của Sở Y tế Quảng Nam trong quá trình xây dựng quy định này?

TS Mai Văn Mười: Vừa qua, vào ngày 6/12, tại phiên họp thứ 28, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X đã thông qua Nghị quyết số 72/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Quảng Nam.

TS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam.

TS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ 1/1/2024) và các văn bản dưới Luật quy định: HĐND tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước thuộc tỉnh nhưngkhông muộn hơn ngày 31/12. Tại tỉnh Quảng Nam, ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng tôi đã chủ động tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Y tế là cơ quan chủ trì soạn thảo, trình UBND xem xét, trình HĐNĐ tỉnh. Để hoàn thành nhiệm vụ này, chúng tôi đã tập trung vào một số việc sau:

Bám sát các nội dung hướng dẫn từ Bộ Y tế, thường xuyên liên hệ trực tiếp với Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ Y tế để cập nhật các thông tin trong quá trình xây dựng giá KCB từ Bộ Y tế.

Bên cạnh việc đảm bảo tiến độ xây dựng dự thảo Nghị quyết cần chú trọng vào chất lượng của dự thảo và gửi lấy ý kiến góp ý cúa các Sở, ngành, địa phương và đặc biệt là các đối tượng của Nghị quyết.

Tranh thủ sự quan tâm, chia sẻ của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, và các Sở ngành liên quan khác trong quá trình thực hiện. Chủ động theo dõi các địa phương trong cả nước để có cơ sở so sánh, đánh giá.

PV: Phương án giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập ở Quảng Nam được tính toán gồm những yếu tố nào?

TS Mai Văn Mười: Việc xây dựng đề xuất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Nam đã bám sát đúng chủ trương của Chính phủ nêu tại điểm b khoản 2 phần I Nghị quyết số 188/NQ-CP ngày 11/10/2024 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương quy định: "Đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh giá dịch vụ KBCB theo mức lương cơ sở mới quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ" và theo các nguyên tắc của Bộ Y tế, cụ thể: Xây dựng giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh đối với các danh mục được cấp thẩm quyền phê duyệt cho các cơ sở khám bệnh chữa bệnh và thuộc danh mục kỹ thuật trong khám bệnh chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành tại Thông tư số 23/2024/TT-BYT ngày 18/10/2024.

Thừa kế giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang áp dụng hiện nay được quy định tại Thông tư số 22/2023/TT-BYT; Thông tư số 21/2023/TT-BYT; Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND được cấu thành bao gồm 02 yếu tố chi phí: gồm chi phí trực tiếp (đã bao gồm phụ cấp) và chi phí tiền lương (mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng), chưa đưa vào giá yếu tố chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản. Lần này, chỉ điều chỉnh yếu tố chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng (theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP), chưa đưa tiền thưởng vào giá dịch vụ. Không vượt mức giá cao nhất của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 21/2024/TT-BYT.

PV: Các cơ sở y tế công lập mong chờ quy định về dịch vụ khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở mới, Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam đã giải quyết vấn đề này?

TS Mai Văn Mười: Từ ngày 1/7/2024, tiền lương theo mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng (theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ). Các cơ sở khám bệnh chữa bệnh của Nhà nước tự chủ tài chính nhóm 2 phải tự đảm bảo chi trả lương cho người lao động. Do vậy mức giá dịch vụ cơ cấu mức lương cơ sở 1,8 triệu không còn phù hợp, không đảm bảo bù đắp chi trả tiền lương cho người lao động phục vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Nghị quyết mới được ban hành, với nguyên tắc điều chỉnh yếu tố chi phí tiền lương theo mức lương mới quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhằm đảm bảo bù đắp chi phí tiền lương để cở sở y tế có nguồn thu chi trả cho người lao động phù hợp theo mức lương mới, giải quyết khó khăn cho các đơn vị, nhất là các cơ sở y tế công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, giảm chi từ ngân sách đối với các cơ sở y tế công lập đảm bảo một phần chi thường xuyên.

PV: Đối với người dân, điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế công lập người bệnh có phải trả thêm chi phí khi đi khám, chữa bệnh?

TS Mai Văn Mười:

Quảng Nam hiện có 97% dân số có thẻ BHYT. Do vậy, đối tượng tham gia BHYT đã được Quỹ bảo hiểm thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT từ 80-100%.

Việc thực hiện đồng chi trả từ 5-20% (tùy theo đối tượng tham gia BHYT) trong tổng chi phí dịch vụ theo mức giá mới; tăng tương ứng với tỉ lệ mức giá tăng nên không đáng kể. Mức giá Nghị quyết lần này của HĐND tỉnh Quảng Nam ảnh hưởng nhiều nhất là đối với đối tượng không tham gia BHYT ( chỉ chiếm 3% dân số). Vì vậy, theo quan điểm của tôi sẽ khuyến khích các đối tượng còn lại này hưởng ứng tham gia BHYT để được hưởng quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Viết Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phe-duyet-gia-dich-vu-tai-co-so-kham-chua-benh-cong-lap-se-go-kho-cho-y-te-cong-169241213183140585.htm