Phế liệu bốc mùi chất thành núi bên hông nhà, người dân Bình Định cầu cứu

Hàng chục hộ dân ở xóm Kiều Hội (thôn Kiều An, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, Bình Định), phản ánh cơ sở thu mua phế liệu đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

‘Chịu không nổi’

Phản ánh với báo Tiền Phong, người dân xóm Kiều Hội cho biết tình trạng này đã kéo dài, mặc dù đã có sự nhắc nhở của cơ quan chức năng.

Bà Hà Thị Chắc (51 tuổi) cho hay tình trạng bắt nguồn từ hộ gia đình ông Phạm Dũng, bà Đặng Thị Hồng Hoa, cơ sở hoạt động hơn 7-8 năm nay. Bà Chắc phản ánh tình trạng ô nhiễm từ việc tập kết phế liệu, hoạt động đốt dây đồng, dây nhôm để lấy lõi bốc mùi khó chịu, máy nổ xay nhựa chạy từ sáng đến chiều tối làm ô nhiễm tiếng ồn, nhựa sau khi xay nhỏ được phơi đầy ra ngoài đường, gây cản trở giao thông.

Bà Hà Thị Chắc phản ánh. Ảnh: Trương Định.

Bà Hà Thị Chắc phản ánh. Ảnh: Trương Định.

Theo bà Chắc, năm 2024, bà đã làm đơn phản ánh rồi 15 người dân khác cùng ký vào để gửi lên UBND xã Cát Tân. Địa phương sau đó đã xuống nhắc nhở, nhưng rồi đâu vẫn vào đó, tình trạng lại tiếp tục tái diễn.

“Chúng tôi kiến nghị địa phương cần phải có phương án như thế nào đưa vào khu - cụm công nghiệp, chứ tình trạng như thế này người dân chịu không nổi. Tôi sẽ tiếp tục làm đơn gửi lên địa phương một lần nữa”, bà Chắc nói.

Nhựa sau khi được xay nhỏ được phơi ngay ra ngoài đường. Ảnh: Trương Định.

Nhựa sau khi được xay nhỏ được phơi ngay ra ngoài đường. Ảnh: Trương Định.

Cùng chung nỗi bức xúc, ông Phùng Quang Bửu (51 tuổi) cho hay vì tình làng nghĩa xóm người dân ở đây tạo điều kiện cho hộ ông Dũng làm ăn, và cũng thường xuyên nhắc nhở, nhưng gia đình không thấy khắc phục.

Theo ông Phạm Dũng trình bày do đợt này thu mua về nhiều, chỉ có hai vợ chồng với một người làm, nên làm không kịp. Đối với việc xay nhựa cũng không phải thường xuyên. Liên quan đến những bức xúc của người dân, ông Dũng cho biết sẽ khắc phục.

Tìm đường ra

Liên quan việc này, làm việc với PV Tiền Phong, ông Trần Công Tòng - Chủ tịch UBND xã Cát Tân (huyện Phù Cát) - cho biết không riêng hộ gia đình ông Dũng, mà trên địa bàn xã cũng có nhiều cơ sở thu mua phế liệu, tái chế nhựa, chủ yếu các hộ gia đình. Hoạt động này xen lẫn trong các khu dân cư.

Theo ông Tòng, quá trình hoạt động tồn tại nhiều vấn đề, xã cũng thấy được. Tuy nhiên, giờ cũng “bí” do chưa có quy hoạch để tập trung các hộ này lại. Vừa rồi, huyện quy hoạch cụm công nghiệp để đưa vào nhưng chưa làm được.

Cơ sở thu mua phế liệu của hộ gia đình ông Dũng, bà Hoa. Ảnh: Trương Định.

Cơ sở thu mua phế liệu của hộ gia đình ông Dũng, bà Hoa. Ảnh: Trương Định.

Cũng theo ông Tòng, những cơ sở thu mua phế liệu, tái chế nhựa tạo được việc làm cho nhiều lao động, do vậy việc này cũng không làm khó người dân được. UBND xã cũng có Tổ công tác thường xuyên đi kiểm, nhắc nhở rồi xử phạt. Năm 2022, xã phối hợp với điện lực cắt điện, cấm 2 cơ sở ở thôn Hòa Dõng hoạt động. Vừa rồi, huyện phối hợp với các cơ quan chức năng xử phạt một cơ sở ở thôn Kiều An với số tiền 37 triệu đồng.

“Chúng tôi đã thông báo cho người dân được biết, nếu không chấp hành thì sẽ tiến hành xử lý hành chính. Còn nếu không khắc phục nữa thì sẽ đề nghị thu hồi giấy phép”, ông Tòng nói.

Phế liệu được chất thành đồng bên nhà người dân. Ảnh: Trương Định.

Phế liệu được chất thành đồng bên nhà người dân. Ảnh: Trương Định.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát - cho biết mới đây ông chủ trì một cuộc họp để rà soát lại. Tuy nhiên, các đơn vị cũng rất lúng túng.

Theo ông Hưng, vùng Cát Tân ngày xưa gắn với sân bay cũ, người dân vào lượm phế liệu, từ đó như trở thành "một nghề truyền thống" nơi đây. Hoạt động này đa phần là tự phát.

Chủ tịch huyện Phù Cát cũng thừa nhận một nguy cơ rất lớn từ các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế nhựa đó là cháy nổ vào mùa nắng nóng, và thực tế cũng đã xảy ra một vụ cháy từ các cơ sở này. "Tuần sau UBND huyện sẽ họp lần nữa, mời hết lên rà soát để có hướng xử lý", ông Hưng nói.

Trương Định

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phe-lieu-boc-mui-chat-thanh-nui-ben-hong-nha-nguoi-dan-binh-dinh-cau-cuu-post1730305.tpo