Phê phán, đấu tranh chống luận điệu sai trái về tư tưởng Hồ Chí Minh (*)

Những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước, nhân dân trong tiến trình lịch sử cách mạng đã được toàn thể dân tộc Việt Nam ghi nhận. Song, thế lực phản động đã tung ra những luận điểm xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với âm mưu xóa bỏ những thành tựu, thành quả của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, của cách mạng Việt Nam, hòng làm giảm uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chính vì vậy, mỗi công dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên phải phê phán, phản bác, đấu tranh với luận điệu sai trái, thù địch này.

Quang cảnh hội nghị quán triệt, nghiên cứu chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đoàn viên thanh niên Thủ đô” năm 2023 tại một điểm cầu trực tuyến do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.

Quang cảnh hội nghị quán triệt, nghiên cứu chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đoàn viên thanh niên Thủ đô” năm 2023 tại một điểm cầu trực tuyến do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.

Nhận diện âm mưu

Hiện nay, các thế lực thù địch tăng cường tung tin bịa đặt nhằm chống phá chính trị, tư tưởng, văn hóa, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… không ngừng ráo riết thực hiện các âm mưu “diễn biến hòa bình” dưới mọi hình thức. Một trong những âm mưu nguy hiểm ấy chính là tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng luận điệu hết sức sai trái rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự sao chép nguyên trạng chủ nghĩa Mác - Lênin”.

Phải khẳng định một điều, đây là một luận điệu không đúng sự thật, xuyên tạc. Tại Đại hội VI (12-1986), Đảng ta nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[1].

Đến Đại hội VII (6-1991), Đảng bổ sung điểm mới: “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”[2], khẳng định tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam". Từ đây, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Tài sản tinh thần vô cùng to lớn

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quá trình nghiên cứu lý luận kết hợp với hoạt động thực tiễn hết sức phong phú, lâu dài tại nhiều nơi trên thế giới.

Ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc không chỉ đến một quốc gia mà tiến hành khảo sát ở nhiều châu lục, kết hợp tìm hiểu, nghiên cứu lý luận, và rồi Người làm quen với nền văn minh Pháp và muốn biết được những gì ẩn đằng sau những chữ: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” của cách mạng Pháp.

Người còn tìm hiểu một số cuộc cách mạng tư sản như cuộc cách mạng tư sản Anh; cách mạng tư sản Mỹ; cuộc cách mạng tư sản Pháp, điển hình là bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 với câu khẩu hiệu nổi tiếng “Tự do, bình đẳng, bác ái”, Tuyên ngôn độc lập năm 1776 tuyên bố về quyền con người thiêng liêng bất khả xâm phạm của nước Mỹ…

Sau quá trình khảo cứu, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy, bất cứ ở đâu, nơi nào “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Từ đó, Người khẳng định chỉ có một “tình hữu ái vô sản” là thật mà thôi. Người nhận ra con đường tất yếu mà cách mạng Việt Nam phải đi, đó là tiến hành cách mạng vô sản giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và rồi, Người quyết định đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 của Lênin - lãnh tụ tài ba đã kế thừa và phát huy sáng tạo di sản tư tưởng của Mác - Ăngghen.

Thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, không rập khuôn máy móc vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Nhìn lại cả hành trình của Người, chúng ta nhận thấy rằng, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là một điều đúng đắn với tầm “nhãn quan chính trị” nhạy bén, khi Người đã có sự khảo cứu, quan sát và đúc rút từ trước. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp nhận “lý luận mà không có liên hệ thực tiễn là lý luận suông”[3], học tập chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là thuộc câu, thuộc chữ, trói buộc trong cái vỏ ngôn từ hay đường đi nước bước rập khuôn, mà nắm lấy tinh thần và phương pháp để áp dụng vào điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn của Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm sáng tạo về cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn và sự sắc sảo của mình đã đưa ra luận điểm: “Cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc và tác động trở lại thúc đẩy cách mạng chính quốc”. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

Trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các thuộc địa năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”, đến tác phẩm “Đường Cách mệnh” năm 1927, Người lại chỉ rõ: “Muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”[4]. Đặc biệt năm 1945, thời cơ cách mạng đã tới khi Nhật đầu hàng đồng minh, Người đã có “Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa” ngày 18-8-1945: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Luận điểm sáng tạo nêu trên của Nguyễn Ái Quốc đã cho chúng ta thấy tính khoa học và cách mạng rõ rệt của Người, dựa trên những luận cứ đã được Người khảo sát, chứng minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có sự sáng tạo về chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Khi xác định mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, các nhà kinh điển vẫn còn nặng về kinh tế. V.I.Lênin cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội là sản phẩm của nền đại công nghiệp cơ khí”[5]. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói đến chủ nghĩa xã hội, tuy đơn giản nhưng rất phù hợp với một nước nông nghiệp. Với Người, khi cuộc sống được cải thiện, người dân có đủ cơm ăn áo mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy đều được đi học, khi ốm có thuốc, già không lao động được thì nghỉ hay những phong tục tập quán không tốt dần được xóa bỏ, đặc biệt “Xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong điều kiện đất nước có chiến tranh. Trong giai đoạn 1953-1954, Việt Nam tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc thì miền Nam vẫn đang thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không có cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc thì không có thắng lợi ở miền Nam, để rồi thống nhất đất nước. Đây chính là điểm sáng tạo hết sức quan trọng nhằm phát huy sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, đem lại thắng lợi lớn, góp phần vào việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Bên cạnh những nội dung trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đưa ra luận điểm sáng tạo về xây dựng Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Đó là có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba yếu tố: Chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước (trong khi chủ nghĩa Mác - Lênin chưa đề cập phong trào yêu nước). Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng không chỉ đấu tranh vì lợi ích của giai cấp công nhân mà còn đấu tranh cho quyền lợi của tập thể và vì lợi ích chung của toàn dân tộc. Bởi vậy nên nhân dân Việt Nam coi Đảng cầm quyền là chính Đảng duy nhất (Đảng Cộng sản Việt Nam) là Đảng của chính mình…

Từ những luận điểm trên, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng, quan điểm: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự sao chép nguyên trạng chủ nghĩa Mác - Lênin” là một luận điệu xuyên tạc, không đúng sự thật, nhằm bóp méo thành quả sáng tạo của Người vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; hòng bác bỏ giá trị lý luận và thực tiễn, tiến tới phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh. Mọi sự xuyên tạc, áp đặt, phản động về tư tưởng Hồ Chí Minh đều không có tác dụng và rất đáng lên án.

Thứ ba, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng và dân tộc ta, cần được phát huy một cách sáng tạo trong tình hình mới, từ đó “ý Đảng - lòng dân” hòa quyện, tạo nên sức mạnh to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một là, phải thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó tiếp tục nghiên cứu, phát triển và phổ biến lý luận trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong bối cảnh hiện nay, xu thế toàn cầu hóa đã làm cho cuộc sống thay đổi rõ nét về mọi mặt. Chính vì vậy, việc kiên định với lý tưởng, tư tưởng là hoàn toàn đúng đắn nhưng phải biết vận dụng sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Hai là, ngăn chặn những hành vi, biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức của cán bộ, đảng viên, không để làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và tiền đồ của đất nước. Ba là, mỗi công dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên cần nâng cao hơn nữa sự đoàn kết để chống lại mọi thế lực thù địch có ý đồ chống phá đất nước ta

...........................

(*) Bài đạt giải Nhì cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023 của thành phố Hà Nội.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1987): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự Thật, H, tr.125.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự Thật, H, tr.127.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.8, tr.496.

[4] Tác phẩm: “Đường Cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[5] V.I.Lênin (2006): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.36, tr.193.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phe-phan-dau-tranh-chong-luan-dieu-sai-trai-ve-tu-tuong-ho-chi-minh-652775.html