'Phên giậu' mới bên dòng Ka-long

Hớp một ngụm trà đặc, hương thơm bảng lảng, ông Tăng Phúc Sìn, trưởng bản Mốc 13, thuộc xã Quảng Đức, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) vui vẻ bảo tôi: Bộ đội lâm trường tốt lắm đó. Mùa lũ bão, họ đến chống cái gió giật, mưa táp.

Bộ đội Lâm trường 103 cùng nhân dân thu hoạch chè.

Hớp một ngụm trà đặc, hương thơm bảng lảng, ông Tăng Phúc Sìn, trưởng bản Mốc 13, thuộc xã Quảng Đức, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) vui vẻ bảo tôi: Bộ đội lâm trường tốt lắm đó. Mùa lũ bão, họ đến chống cái gió giật, mưa táp. Mùa cây lúa chín, họ đến chạt cái sân, gặt cây lúa cho nhà ta, cho cả bản người Dao này. Mình nói với dân bản, cóbộ đội lâm trường, cứ yên tâm mà làm ăn thôi. Biên giới này là của mình mà...”.

Những người “khai sơn, phá thạch”

Mặc dù đã 75 tuổi, nhưng nhìn trưởng bản Tăng Phúc Sìn còn khá tráng kiện. Bắp tay ông vẫn còn săn, bước chân đi thoăn thoắt. Chiều hôm đó, trưởng bản đã kể cho tôi nghe về cái nơi mà gia đình ông và 44 hộ dân với gần 300 nhân khẩu đang sống tại bản Mốc 13, ngay sát dòng sông Ka-Long, bên kia là đất bạn Trung Quốc.

Hơn mười năm trước, nếu đi từ thượng nguồn sông Ka-Long, gần cột mốc biên giới 16 (cũ), thuộc địa phận xã Quảng Đức, xuôi xuống xã Quảng Sơn, qua Pò-hèn, Mai Lục Chắn, Thán Phún Xã, Thán Phún Thôn, Phẹc Nả, Phình Hồ (nay thuộc xã hai xã Bắc Sơn và Hải Sơn), hàng chục ki-lô-mét không một bóng nhà dân. Ngay cả khu vực cửa khẩu tiểu ngạch Bắc Phong Sinh, là nơi giao thương giữa hai nước, cũng chỉ lưa thưa vài nếp nhà người Dao. Con đường dọc tuyến biên giới bé tin hin, ngoằn ngoèo, khấp khểnh, hai bên cây dại, cỏ lác mọc lút đầu. “Mình sống ở đây đã lâu. Bản mình ít người lắm, đất lại rộng. Từ ngày có lâm trường về đây, nhiều hộ từ phía trong xã ra đây sinh sống. Họ giúp dân bản mình làm nhà, làm đường, hướng dẫn cách cấy lúa nước, trồng quế, trồng hồi, cho cả cây giống, bò nuôi. Giờ thì bản mình đã có điện, không có ai buôn bán thuốc phiện, nghiện hút. Nhà mình có cái máy xem hình, vụ vừa qua thu hoạch gần hai tấn lúa, trong chuồng có 5 con lợn gần 80 cân, còn ngô, khoai thì nhiều lắm. Bộ đội lâm trường vẫn đến thăm luôn đấy. Có bộ đội dân bản mình vui lắm!”. Trưởng bản Tăng Phúc Sìn vừa chiêu tiếp một chén trà, vừa khề khà nói với tôi như vậy.

Những điều mà trưởng bản Sìn kể chính là về bộ đội lâm trường 103, thuộc Đoàn kinh tế - quốc phòng 327 (Quân khu 3). Đứng chân trên địa bàn hai xã Quảng Đức và Quảng Sơn từ năm 1999 đến nay, cán bộ, công nhân viên lâm trường 103 thực sự là những người “khai sơn, phá thạch”. Cả một vùng biên địa rộng hàng nghìn héc-ta, phần lớn để đất đai hoang hóa, cây dại lút đầu.

Ngồi trên xe U-oát, trên con đường mới được mở rộng đến thăm bản Khe Lếnh, thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc lâm trường 103, chỉ tay nói với tôi:

- Anh nhìn kìa! Đó là khu trồng 10 héc-ta chè của lâm trường, tiếp đó 40 héc-ta của bà con bản Khe Lếnh di cư, phần còn lại là 5 héc-ta của người dân bản địa. Chúng tôi đã tiến hành thu hoạch từ vài năm nay. Dự kiến, năm 2006, chúng tôi sẽ thu hoạch được 8 tấn chè khô. Được như hôm nay cũng gian nan, vất vả lắm anh ạ.

Theo tay anh chỉ, cả một vùng rộng lớn bạt ngàn màu xanh của chè. Theo thượng tá Dũng, việc lâm trường vỡ đất, khai hoang, phục hóa để trồng chè, trước hết là “thao diễn” mô hình, nếu thấy hiệu quả mới hướng dẫn cho bà con phương thức canh tác, thu hoạch, mục đích là để khi đưa dân ra sinh sống họ có nguồn thu nhập ổn định. Nay, bản Khe Lếnh đã có 40 hộ dân từ huyện Ba Vì (Hà Tây) và 15 hộ người Dao nội vùng ra sinh sống, mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để xây nhà, mỗi khẩu được trợ cấp 24 tháng lương thực và lâm trường chuyển giao một héc-ta chè “làm vốn”. Hướng tới, lâm trường 103 sẽ mở rộng khoảng hơn 200 héc-ta đất trồng chè, phấn đấu đưa 200 hộ dân ra sinh sống dọc khu vực sông Ka-long.

Bản Khe Lếnh đã có một chi bộ Đảng với ba đảng viên, nội vùng đã có đường liên bản, có điện lưới, nước sạch, bắt đầu hình thành nên một cụm dân cư mới. Đảng viên trẻ Nguyễn Văn Bình, mới 28 tuổi, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, cho tôi biết: “Chúng tôi đang đề nghị chuyển tên bản Khe Lếnh thành thôn Tân Đức, để mọi người nhớ về quê hương Tân Đức, Ba Vì, Hà Tây - nơi mọi người sinh ra, lớn lên và đi xây dựng một vùng quê mới, trên biên cương xa xôi này”.

Kỳ tích: Xóa vùng “trắng” dân!

Gần 6 giờ sáng, thiếu úy Vũ Văn Thân (thuộc Ban hậu cần lâm trường 103), đèo tôi bằng xe máy sang lâm trường 42. Trên con đường vành đai biên giới, xe lao vun vút, gió rít bên tai. Dưới kia, dòng Ka-long trong xanh vẫn hiền hòa, uốn lượn. Qua Pò-hèn, Mai Lục Chắn, Thán Phún Thôn, Thán Phún Xã, Phình Hồ… tôi thấy nhiều ngôi nhà mới mọc lên, những đàn gà te tác gọi nhau, những đàn trâu thong dong gặm cỏ...

Theo yêu cầu của tôi, thỉnh thoảng thiếu úy Thân lại cho xe tạt vào ven đường. Dừng chân trước một ngôi nhà xây khá đẹp, Thân bảo: “Đây là nhà của anh Trần Văn Lý, người dân tộc Sán Chỉ, cũng thuộc đối tượng di dân trong khu kinh tế - quốc phòng của Đoàn 327. Ta vào uống chén nước, đây là chỗ bọn em vẫn đi lại mà”.

Chủ nhà Trần Văn Lý đon đả mời khách, rồi rất tự nhiên, anh kể: “Quê tôi trước ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, năm 2000 theo “tiếng gọi” của bộ đội và chính quyền địa phương, tôi lên đây theo diện di cư nội vùng. Lúc ấy vùng này còn heo hút lắm, tuyến đường biên giới chưa được trải nhựa, điện lưới cũng chưa vào tới đây. Sau năm 1979, xã Thán Phún Thôn gần như trắng dân, đất đai bạc màu, hoang hóa. Bộ đội Lâm trường 42 (trước đây là Đoàn Kinh tế - quốc phòng Bắc Hải Sơn, đơn vị đầu tiên có mặt tại vùng Đông Bắc - P.V) giúp tôi và số hộ di cư dựng nhà, vỡ đất, trồng lúa nước. Nhà tôi hiện có ba thế hệ đang sống ở đây, gồm “ông già”, hai vợ chồng tôi và bốn đứa con. Nhìn chung đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng cũng đủ ăn, các cháu được đi học. Gia đình tôi xác định, sẽ yên tâm gắn bó tại nơi đây”.

Gặp và hỏi chuyện xóa vùng “trắng” dân với thượng tá, giám đốc Lâm trường 42 Nguyễn Đức Tuấn và trung tá, chính trị viên Phạm Văn Hiểu, tôi được biết: Trước năm 1978, địa bàn của Lâm trường 42 hoạt động có 4 xã là Pò-hèn, Thán Pún, Lục Phủ và Tràng Vinh. Do “lịch sử để lại”, sau năm 1979, dân số nơi đây chỉ “gom” đủ thành một xã Hải Sơn, nhưng sống sâu trong nội địa, dọc tuyến biên giới hàng chục ki-lô-mét hoàn toàn “trắng” dân. Với sự đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cùng những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Lâm trường 42, đến nay, số hộ di dân theo kế hoạch tại các địa phương, di dân tự nguyện, dãn dân tại chỗ của xã Hải Sơn là 343 hộ với hàng nghìn nhân khẩu. Do số dân cư tại chỗ và số di dân, dãn dân tăng, nên mới đây, địa bàn này được tách thành hai xã là Hải Sơn (mới) và Bắc Sơn.

Tiếp tục cuộc hành trình ven hạ lưu dòng Ka-long, tôi giật mình thảng thốt khi nhìn những ngôi nhà hai tầng kiên cố đang mọc lên trên bản Lục Lầm, địa bàn xây dựng khu kinh tế - quốc phòng của Lâm trường 27. Vừa tới trụ sở, chính trị viên lâm trường, thượng tá Khổng Trọng Lương đã kéo ào tôi đi. Anh nói: “Trăm nghe không bằng một thấy, thế mạnh của chúng tôi chính là nuôi trồng thủy sản. Mời nhà báo đi một vòng. Rất nhiều điều thú vị đấy”.

Vống tầm mắt ra xa, trước tôi, mênh mông những ao, đầm nuôi tôm, thả cá với hàng trăm héc-ta. Để có được vùng “thủy địa” hữu tình này, biết bao mồ hôi, công sức của cán bộ, công nhân viên Lâm trường 27 đã đổ xuống. Cũng giống như Hải Sơn, trước đây, Lục Lầm là một xã giáp biên, bên kia sông Ka-long là thôn Lầu Phầu (thuộc thị xã Đông Hưng, Trung Quốc). Sau năm 1979, cả xã không còn một nhà dân nào. Toàn bộ diện tích đất tại Lục Lầm tạm thuộc quyền quản lý của xã Hải Hòa (thuộc thị xã Móng Cái). Từ ngày Lâm trường 27 tới đây xây dựng khu kinh tế - quốc phòng, các hộ dân mới được đưa ra sinh sống. Chính trị viên Khổng Trọng Lương khoe với tôi rằng: Đến nay, lâm trường đã đưa được 84 hộ dân, trong đó 15 hộ là cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Số gia đình này đã làm nhà, nhập hộ khẩu tại địa phương. 133 hộ đã được cấp đất, san nền, chuẩn bị ra sinh sống. Thời gian tới, lâm trường phấn đấu hoàn thành mục tiêu: đưa gần 300 hộ ra khu kinh tế - quốc phòng, quyết tâm khôi phục lại xã “trắng” Lục Lầm.

Vùng biên địa hồi sinh!

Đó là điều mà đại tá Từ Ngọc Thạch, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 nói với tôi. Đó cũng là lời nhận xét của lãnh đạo nhiều xã biên giới Đông Bắc mà tôi đã gặp. Và, đó cũng là điều khẳng định của tôi sau một tuần rong ruổi dọc bờ sông Ka-long, được tận mắt chứng kiến sức sống mới trên mảnh đất này.

Với năm đơn vị là các lâm trường đang hoạt động trên dải biên cương dài gần 133km, sau hơn 6 năm, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 đã lập nên kỳ tích: Đưa 1.287 hộ dân ra sinh sống tại 118 xã giáp biên giới nước bạn, chưa có hộ nào “hồi hương”; khôi phục hai xã “trắng” dân, xây dựng hàng trăm ki-lô-mét đường liên thôn, liên bản, hàng chục trường học, nhà trẻ, bệnh xá, đưa điện, khoan nước sạch tới các bản làng xa xôi, hướng dẫn bà con các dân tộc thiểu số phương thức canh tác mới, phát triển đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí, từng bước hình thành nên vùng “phên giậu” vững chắc khu vực biên giới Đông Bắc…

Chia tay, tôi nhớ mãi câu nói của đại tá Từ Ngọc Thạch - người đã bao năm lăn lộn, trăn trở cùng mảnh đất này - “Chúng tôi sẽ bên dân, giúp dân, quyết tâm xây dựng vùng biên giới Đông Bắc trở thành những khu dân cư trù phú, đông đúc”. Tôi hiểu điều anh nói. Bộ đội bên dân, giúp dân - dân bám biên, giữ đất, đó chính là cuộc đồng hành son sắt vì sự phát triển, bình yên và thịnh vượng lâu dài cho đất nước.

LÊ THIẾT HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/phen-giau-moi-ben-dong-ka-long-448781