'Phép lạ' nào đã giúp 379 hành khách thoát nạn trong biển lửa?
Khi ngọn lửa bùng lên, trật tự vẫn ngự trị bên trong chiếc A-350 của Japan Airlines. Với phi hành đoàn được đào tạo bài bản, một chiếc máy bay tiên tiến và tinh thần kỷ luật đặc trưng Nhật Bản, việc sơ tán an toàn của 379 hành khách đã diễn ra tương đối suôn sẻ.
Tính kỷ luật và chuyên nghiệp
Khi khói tràn ngập cabin chiếc Airbus A-350 mang số hiệu 516 của Japan Airlines sau màn hạ cánh rực lửa xuống Tokyo hôm thứ Ba, giọng nói của một đứa trẻ vang lên át đi sự hỗn loạn ồn ào trên máy bay. “Xin hãy đưa cháu ra nhanh chóng!", đứa trẻ nài nỉ, sử dụng một dạng tiếng Nhật lịch sự bất chấp nỗi sợ hãi bao trùm hành khách khi các tiếp viên bắt đầu hét lên hướng dẫn.
Trong những phút sau đó, ngay cả khi ngọn lửa mà sau này đã nhấn chìm chiếc máy bay đã chập chờn bén tới bên ngoài cửa sổ, trật tự vẫn được giữ nguyên. Các tiếp viên đã sơ tán tất cả 367 hành khách qua ba cửa thoát hiểm được coi là an toàn nhất, đưa từng người một xuống cầu trượt khẩn cấp mà không có ai bị thương nặng. Hầu hết đều bỏ lại mọi thứ ngoại trừ những chiếc điện thoại.
Trong khi một số yếu tố hỗ trợ cho điều mà nhiều người gọi là phép lạ ở sân bay Haneda là phi hành đoàn gồm 12 người được đào tạo bài bản; phi công kỳ cựu với kinh nghiệm bay 12.000 giờ; thiết kế và vật liệu máy bay tiên tiến, thì việc gần như không có sự hoảng loạn trên máy bay trong quá trình thực hiện quy trình khẩn cấp có lẽ đã giúp ích nhiều nhất.
Aruto Iwama, một hành khách đã trả lời phỏng vấn video với tờ The Guardian, nói: “Mặc dù tôi nghe thấy tiếng la hét nhưng hầu hết mọi người đều bình tĩnh và không đứng dậy khỏi ghế mà vẫn ngồi chờ. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ chúng tôi có thể thoát ra một cách suôn sẻ”.
Yasuhito Imai, 63 tuổi, giám đốc điều hành một công ty ở ngoại ô Tokyo, người đã từ tỉnh phía bắc Hokkaido trên chuyến bay trở về, nói với báo điện tử Jiji Press rằng thứ duy nhất ông lấy được từ máy bay là điện thoại thông minh. “Hầu hết chúng tôi đã cởi áo khoác và run rẩy vì lạnh”, ông Imai nói. Ông cho biết thêm, dù một số trẻ em khóc và những người khác la hét, nhưng “chúng tôi vẫn có thể sơ tán mà không hoảng sợ”.
Tadayuki Tsutsumi, một quan chức của Japan Airlines, cho biết yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động của phi hành đoàn trong trường hợp khẩn cấp là “kiểm soát sự hoảng loạn” và xác định cửa thoát hiểm nào an toàn để sử dụng.
Khi bình luận về vụ tai nạn, nhiều cựu tiếp viên hàng không cũng mô tả quá trình huấn luyện và diễn tập nghiêm ngặt mà các thành viên phi hành đoàn phải trải qua để chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp như vậy.
Yoko Chang, một cựu tiếp viên hàng không và hiện là người hướng dẫn các thành viên phi hành đoàn, cũng chia sẻ nhận định tương tự. Bà Chang viết trên Instagram: “Khi huấn luyện về quy trình sơ tán, chúng tôi liên tục sử dụng mô phỏng khói/lửa để đảm bảo rằng chúng tôi có thể sẵn sàng về mặt tinh thần khi những tình huống như vậy xảy ra trong thực tế”.
Giá trị của một chiếc máy bay tiên tiến
Chiếc Airbus A-350 của Japan Airlines bị cháy do va chạm trên đường băng với một máy bay nhỏ hơn (chiếc Bombardier Dash-8) của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản lúc chiều tối 2/1 theo giờ địa phương tại sân bay Haneda, Tokyo.
Một ngày sau đó, các manh mối bắt đầu xuất hiện về nguyên nhân dẫn đến thảm họa khiến 5 thành viên Cảnh sát biển thiệt mạng trên đường đi giúp cứu trợ động đất ở bờ biển phía tây Nhật Bản.
Trong bản ghi âm thông tin liên lạc giữa tháp kiểm soát không lưu với cả máy bay của Japan Airlines và máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, có vẻ như chuyến bay thương mại đã được phép hạ cánh trong khi máy bay cánh quạt được yêu cầu “đi theo đường lăn (taxiway) đến điểm chờ cất cánh” bên cạnh đường băng.
Các quan chức đang cố gắng tìm hiểu lý do tại sao máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển lại dừng lại ở đường băng. Takuya Fujiwara, điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Nhật Bản, nói với các phóng viên rằng cơ quan này đã thu thập máy ghi âm - hay còn gọi là hộp đen - từ máy bay của Cảnh sát biển nhưng vẫn đang tìm kiếm máy ghi âm từ chiếc A-350.
Trong đoạn video ghi lại cảnh chiếc A-350 hạ cánh, nó dường như bốc cháy khi lao trên đường băng, khiến người ta khó tin rằng có ai đó có thể rời khỏi máy bay mà không bị thương.
Tuy nhiên, thân máy bay đã chịu đựng được ngọn lửa tỏa ra từ động cơ trong 18 phút kể từ khi máy bay chạm đất, lúc 5:47 chiều, cho tới thời điểm người cuối cùng rời khỏi máy bay, lúc 6:05. Yasuo Numahata, phát ngôn viên của Japan Airlines cho biết, 18 phút đó bao gồm việc lướt khoảng 2/3 dặm xuống đường băng trước khi máy bay dừng lại và các đường trượt sơ tán có thể mở ra.
Các chuyên gia tin rằng, bên cạnh việc phi hành đoàn được đào tạo về khả năng sơ tán cabin trong vòng 90 giây khi hạ cánh khẩn cấp, các thông số kỹ thuật trên chiếc Airbus A350-900 mới chỉ 2 năm tuổi này rất có thể đã giúp những người trên chuyến bay có thêm một chút thời gian để chuẩn bị cho việc thoát thân.
Nữ tiến sĩ Sonya Brown, giảng viên cao cấp về thiết kế hàng không vũ trụ tại trường Đại học New South Wales (Sydney, Úc) cho biết, tường lửa xung quanh động cơ, máy bơm nitơ trong bình nhiên liệu giúp ngăn chặn sự cháy ngay lập tức trong khi vật liệu chống cháy trên ghế và sàn rất có thể cũng giúp ngăn chặn ngọn lửa bùng phát.
“Có mức độ chống cháy khiến quá trình cháy ban đầu diễn ra chậm hơn. Nếu chúng ta có những thứ làm giảm sự lây lan, chúng ta có thể tăng cơ hội đưa mọi người ra ngoài an toàn”, bà Brown nói với báo New York Times.
Sean Lee - phát ngôn viên của Airbus, cho biết chiếc A350-900 được trang bị 4 lối thoát hiểm và cầu trượt có thể dùng để thoát ra cả hai bên máy bay. Ông Lee nói rằng máy bay có hệ thống chiếu sáng sàn ở cả hai bên lối đi và “thân máy bay phần lớn được làm bằng vật liệu composite, có khả năng chống cháy tương đương với nhôm”. Nhôm thường được coi là có khả năng chống cháy cao.
Japan Airlines cho biết 15 người đã bị thương trong quá trình sơ tán, và không ai nguy kịch. Theo Kazuki Sugiura, một nhà phân tích hàng không ở Tokyo, kết quả như vậy rất đáng chú ý.
Ông Sugiura, người đã nghiên cứu các vụ tai nạn hàng không hơn 50 năm, nói: “Trong tình huống khẩn cấp như vậy thường có khá nhiều người bị thương. Các cầu trượt sơ tán bị gió di chuyển, hành khách lần lượt rơi từ các lối thoát hiểm nên mọi người ngã xuống đất và hầu hết đều bị thương”. Vì vậy, con số 15 người bị thương có thể xem là một điều may mắn.
Nhưng tất nhiên, may mắn sẽ không đến nếu phi hành đoàn và hành khách trên chiếc máy bay của Japan Airlines không giữ được tinh thần kỷ luật vốn làm nên danh tiếng của người Nhật.
“Thực sự, phi hành đoàn của Japan Airlines trong trường hợp này đã thể hiện rất xuất sắc. Và việc hành khách không dừng lại để lấy hành lý xách tay hoặc làm chậm lối ra trong lúc rời khỏi máy bay cũng là chi tiết rất quan trọng”, tiến sĩ Sonya Brown, giảng viên thiết kế hàng không vũ trụ tại trường Đại học New South Wales, nhận định.