'Phép màu' từ bức ảnh của năm 2021
Xuất hiện trong bức ảnh đoạt giải quốc tế, một gia đình Syria đã có cơ hội đến Italy để chữa bệnh và gây dựng cuộc sống mới.
“Sự gian khổ của cuộc sống”
Năm 2021, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc người đàn ông chỉ còn một chân đang bế đứa bé bị khuyết cả tứ chi đã lan truyền rộng rãi tại Italy, sau khi được chọn là Bức ảnh của năm tại Siena International Photo Awards 2021 - một giải thưởng nhiếp ảnh danh giá mang tầm quốc tế.
Ngày 21/1, Munzir El Nezzel, người đàn ông trong ảnh, cùng con trai Mustafa và gia đình đã đến Italy sau nỗ lực vận động của Ban tổ chức giải Siena. Trước khi đến Italy, gia đình El Nezzel sống tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở quê nhà Syria.
“Gia đình cháu đang đến, cảm ơn mọi người”, bé Mustafa, 6 tuổi, tươi cười nói trong đoạn video được ghi lại trước khi cậu và gia đình - gồm bố, mẹ và hai em gái (một và 4 tuổi) - lên máy bay ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/1.
Bức ảnh trên được chụp hồi tháng 1/2021. Tác giả là nhiếp ảnh gia người Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Aslan. Ông đặt tên cho bức ảnh là “Sự gian khổ của cuộc sống”. Người đàn ông trong ảnh đã phải vật lộn với cuộc sống kể từ khi bị thương trong vụ đánh bom ở khu chợ tại quê nhà và bỏ trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, điều đè nặng tâm trí anh suốt thời gian qua không phải chiếc chân đã mất mà là tương lai của cậu con trai 5 tuổi - Mustafa. Cậu bé sinh ra đã không có tay, chân. Tác giả bức ảnh cho biết ông gặp cha con Mustafa ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria, nơi họ sinh sống trong một cửa hàng. Gia đình này đã chuyển tới đây nhằm nỗ lực giúp Mustafa có thể được chữa trị và tìm kiếm chân, tay giả đặc biệt.
Gia đình ông Munzir chủ yếu sống dựa vào sự trợ giúp từ thiện trong hơn 3 năm qua, kể từ khi họ trốn chạy khỏi Idlib, thành trì cuối cùng ở Syria nằm trong tay lực lượng nổi dậy sau 10 năm nội chiến. Các cuộc tấn công vẫn không ngừng xảy ra ở đây. Góc phía bắc Syria này nằm dọc theo biên giới rải rác các trại chật ních người tị nạn. Trong một thập kỷ xung đột, hàng triệu người Syria đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác trong khu vực.
Nhiếp ảnh gia Aslan hy vọng bức ảnh của ông cũng có thể giúp giảm bớt những phản ứng dữ dội đối với các cộng đồng người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi không ít người dân địa phương đang đổ lỗi cho người tị nạn về những khó khăn về kinh tế.
Bức ảnh mang đầy cảm xúc đã chạm được vào trái tim của công chúng Italy và sau đó lan rộng khắp thế giới thông qua mạng xã hội. Điều này đã thúc đẩy Ban tổ chức giải Siena phát động chiến dịch gây quỹ nhằm giúp cha con anh El Nezzel có điều kiện đi chữa trị ở Italy.
Ban tổ chức giải đã liên hệ với các nhà ngoại giao, bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng và giáo phận Công giáo ở thành phố Siena để vận động họ tiếp nhận gia đình người Syria, giúp Mustafa và cha cậu bé được điều trị và lắp chi nhân tạo. “Bức ảnh vượt ngoài mọi trí tưởng tượng”, Luca Venturi, nhà sáng lập giải nhiếp ảnh Siena, cho biết.
Như tất cả quốc gia khác, Italy có thể cấp thị thực với lý do nhân đạo. Tuy nhiên, người tị nạn cần được một tổ chức địa phương giúp đỡ về mặt tài chính cũng như thủ tục hành chính. Được thúc đẩy bởi sự thành công của nỗ lực gây quỹ cộng đồng, tổ chức phi lợi nhuận đứng sau giải nhiếp ảnh Siena đã quyết định tài trợ cho gia đình El Nezzel. “Đó là một giấc mơ lớn đối với bất kỳ ai”, ông Venturi nói.
Khi đang nỗ lực để đưa gia đình người Syria đến Italy từ Thổ Nhĩ Kỳ, ông Venturi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với El Nezzel qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp, sử dụng Google dịch để giao tiếp bằng tiếng Arab với người cha 33 tuổi.
Ông Venturi gửi hình ảnh của thành phố Siena và giải thích cho gia đình về nơi họ sắp đến, gia đình anh El Nezzel đã sống mà không biết đến truyền hình suốt một thập kỷ qua. Tháng này, khi biết tin Chính phủ Italy đồng ý cấp thị thực cho gia đình, “họ không thể tin nổi”, ông Venturi kể lại và nói thêm rằng cậu bé Mustafa vui mừng đến độ đã nhào lộn và hét lớn “cháu yêu ông”.
Hy vọng mới
Cả hai cha con Mustafa đều là nạn nhân của cuộc nội chiến đẫm máu tại Syria. Anh El Nezzel bị mất chân phải sau một vụ đánh bom. Còn Mustafa ngay từ khi sinh ra đã mắc một chứng rối loạn bẩm sinh. Nguyên nhân là mẹ của Mustafa phải trải quá qua trình điều trị bằng thuốc trong quá trình mang thai sau khi hít trúng khí độc thần kinh.
Mustafa cần được điều trị lâu dài để có thể đi lại hoặc sống độc lập hơn. Hiện tại, cậu bé cần sự giúp đỡ từ cha mẹ hoặc đôi khi là em gái trong các sinh hoạt thường ngày.
Trong những tuần tới, các chuyên gia ở Italy sẽ thăm khám cho Mustafa và cha cậu bé để thiết kế các bộ chi nhân tạo mới. Việc điều trị cho El Nezzel có thể sẽ dễ dàng hơn vì anh là người trưởng thành. Điều trị cho một đứa trẻ 6 tuổi gặp nhiều thách thức hơn.
Gregorio Teti, Giám đốc Centro Protesi Inail, một trung tâm chuyên về phục hồi chức năng và chi nhân tạo hàng đầu ở miền Bắc Italy, cho biết người cha có thể phục hồi phần lớn khả năng vận động chỉ trong vài tuần. Đối với Mustafa, quá trình này có thể lâu hơn, bắt đầu với chi trên, nơi cậu bé dễ làm quen hơn và sau đó là chi dưới.
Theo ông Teti, đây là một quá trình học hỏi về cả phương diện kỹ thuật lẫn tâm lý. “Thế giới của cậu bé sẽ thay đổi và việc chấp nhận điều đó cần có thời gian”. Khi Mustafa lớn lên, các bộ phận nhân tạo cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với tốc độ phát triển của cơ thể.
“Vì còn nhỏ, thời gian đứng về phía cậu bé,” ông Teti nói. “Việc luyện tập có thể giúp cậu bé tự lái ôtô và đi làm khi lớn lên”.
Tuy nhiên, cậu bé cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức khi di cư ra nước ngoài, chẳng hạn phải hòa mình vào một môi trường khác, nói thứ ngôn ngữ khác và tạo dựng một cuộc sống mới.
Bức ảnh người đàn ông bản địa cõng cha đi tiêm vaccine ở Amazon, Brazil gây ấn tượng về khó khăn khi thực hiện tiêm chủng tại một trong những khu vực hẻo lánh nhất thế giới.
Trên Instagram cá nhân, bác sĩ Erik Jennings Simoes (Brazil) đã đăng tải bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Tawy (24 tuổi) đang cõng người cha Wahu (67 tuổi) sau khi cả hai được tiêm vaccine COVID-19 tại Amazon, Brazil.
Bức ảnh nhanh chóng gây chú ý trên mạng xã hội và trở thành minh chứng cho những khó khăn người dân Brazil đối mặt trong hoạt động chủng ngừa COVID-19, theo BBC hôm 13/1.
Bức ảnh được chụp vào tháng 1/2021 - thời điểm Brazil bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Khi đó, nước này là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Tawy và Wahu là hai trong số 325 thành viên thuộc cộng đồng người bản địa Zo’e. Tộc này sống khá biệt lập với hàng chục ngôi nhà trong một khu vực rộng lớn ở bang phía bắc Para.
Bác sĩ Simoes nói để tiêm vaccine, Tawy đã cõng cha mình trong khoảng 5-6 giờ xuyên rừng, do ông Wahu đi lại khó khăn và hầu như không còn nhìn thấy.
Brazil cho biết có khoảng 853 thành viên các dân tộc bản địa tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, Apib - một tổ chức phi chính phủ tại nước này - thông tin rằng con số thương vong của người bản địa đã lên tới 1.000, tính riêng giai đoạn tháng 3/2020-3/2021.
Chính phủ Brazil xem nhóm dân bản địa là một trong những đối tượng ưu tiên khi triển khai hoạt động tiêm chủng. Các đội y tế đã dựng lều trong rừng và thống nhất kế hoạch với người bản địa thông qua đài phát thanh, nhằm đảm bảo “tôn trọng văn hóa” của người Zo’e.
Theo BBC, đến tháng 9/2021, ông Wahu đã qua đời, nhưng vẫn chưa thể xác định nguyên nhân. Tawy đang ở cùng gia đình và gần đây đã được tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phep-mau-tu-buc-anh-cua-nam-2021-post432894.html