'Phép thử' mới với châu Á sau 25 năm khủng hoảng tài chính
Sự hỗn loạn lan rộng trên khắp khu vực, từ Indonesia đến Hàn Quốc, và sau đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra các biện pháp cứu trợ.
Cách đây 25 năm, ngày 2/7/1997 khi đồng baht Thái Lan lao dốc mạnh sau khi chính phủ từ bỏ việc neo tỷ giá đồng baht với USD, đây là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á.
Sự hỗn loạn lan rộng trên khắp khu vực, từ Indonesia đến Hàn Quốc, và sau đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra các biện pháp cứu trợ.
Sau 25 năm, khu vực châu Á lại phải đối mặt với những thách thức mới. Trong bối cảnh các nền kinh tế trên toàn cầu vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sau đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá lương thực và năng lượng tăng vọt.
Trong khi đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ gây ra nguy cơ dòng vốn bị rút khỏi châu Á. Nhiều đồng tiền trong khu vực cũng đang giảm giá so với USD, làm tăng chi phí của các khoản nợ bằng đồng bạc xanh.
Hầu hết các quốc gia châu Á đã xây dựng năng lực chống chọi với các cú sốc bên ngoài bền bỉ hơn trong 25 năm qua, một phần nhờ vào quá trình công nghiệp hóa. Các nền kinh tế đã thịnh vượng hơn và có hệ thống tài chính mạnh hơn.
Ngày càng nhiều công ty toàn cầu đang đầu tư vào khu vực này để khai thác thị trường lao động giá rẻ và số người thuộc nhóm trung lưu đang tăng lên. Nền kinh tế Trung Quốc đã vượt lên dẫn trước và xu hướng chuyển đổi số hóa đã tiếp thêm động lực cho khu vực này.
Các quốc gia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã không còn neo cố định đồng tiền của họ với USD, và nhiều nền kinh tế giờ đây có thặng dư tài khoản vãng lai hay dự trữ ngoại hối lành mạnh.
Tình hình hiện nay không giống như thời điểm năm 1997 khi Thái Lan cạn kiệt tiền nên không thể giữ giá đồng baht.
Ngoài ra, các khuôn khổ đa phương trong khu vực góp phần cung cấp bộ đệm hỗ trợ chống chọi cho các cuộc khủng hoảng tiềm tàng.
Các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã khởi xướng Sáng kiến Chiang Mai vào năm 2000, một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ cho phép các bên ký kết vay USD giữa các nước.
Bên cạnh nhiều thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương, 13 quốc gia cũng đã thành lập Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), một đơn vị giám sát kinh tế vĩ mô khu vực thuộc Sáng kiến Chiang Mai.
Koji Sako, phó Giáo sư tại Đại học Quốc tế Josai của Nhật Bản, chỉ ra rằng, mặc dù sự phụ thuộc tổng thể của khu vực vào đồng USD không suy giảm trong 25 năm qua, nhưng khả năng phục hồi của khu vực đã được cải thiện rất nhiều.
Ông nhận xét, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể về công nghiệp hóa trong 25 năm qua, không chỉ do nền kinh tế định hướng xuất khẩu của họ trong khuôn khổ hệ thống thương mại tự do, mà các nước này còn được hưởng lợi từ sức mạnh kinh tế đang trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn toàn cầu ngày nay là “phép thử” khó khăn đối với sự ổn định của châu Á và các dấu hiệu cho thấy rủi ro đang nghiêm trọng hơn.
Theo cơ sở dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gánh nặng nợ chính phủ đã tăng lên ở nhiều nước châu Á trong đại dịch COVID-19. Ví dụ ở Philippines, tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng từ 37% vào năm 2019 lên 57,5% vào năm 2021.
Các nền kinh tế nhỏ hơn dựa vào du lịch thường có tỷ lệ nợ công cao hơn. Nợ công của Maldives tăng từ 78,8% GDP vào năm 2019 lên mức ước tính 123,4% GDP trong năm 2021, trong khi con số này của Sri Lanka tăng từ 86,8% GDP lên ước tính 107,2% GDP trong cùng kỳ.
Sri Lanka, vốn có thâm hụt tài khoản vãng lai dai dẳng trong nhiều năm, hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị do lạm phát phi mã. IMF tháng trước đã cử một nhóm làm việc đến quốc gia Nam Á này để thảo luận về một gói tài chính giải cứu.
Ngoài nợ do đại dịch COVID-19 gây ra, nhiều quốc gia đang cố gắng hạ nhiệt áp lực lạm phát đối với người dân. Nhưng các biện pháp hỗ trợ khá hạn chế do dư địa tài chính của chính phủ không còn dồi dào.
AMRO đã chỉ ra trong báo cáo gần đây rằng "giải quyết nợ công và nợ tư nhân cao tích tụ trong đại dịch COVID-19" là một trong những vấn đề quan trọng của khu vực.
Báo cáo nhấn mạnh, khi các nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, cả nợ công và nợ tư nhân dự kiến sẽ tăng đáng kể. Việc quản lý kinh tế vĩ mô sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là nếu áp lực lạm phát nổi lên trong bối cảnh khu vực công và tư nhân mắc nợ nhiều và hệ thống tài chính suy yếu.
Trong khi đó, Fed vào tháng 6/2022 đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất trong 28 năm. Động thái này đã khiến dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế châu Á và gánh nặng nợ bằng đồng USD sẽ tăng lên ở một số quốc gia.
Một số ngân hàng trung ương châu Á cũng đã nhanh chóng tăng lãi suất, tuy nhiên, việc thắt chặt tiền tệ vội vàng bằng cách tăng chi phí đi vay sẽ có nguy cơ bóp nghẹt một số công ty phát triển nhanh nhất trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Theo Phó Giáo sư Sako, môi trường kinh doanh liên tục thay đổi cũng có thể là một thách thức cho sự phục hồi của châu Á. Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể phá vỡ các liên kết kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và ảnh hưởng đến thương mại trong toàn khu vực.
Trong một động thái chiến lược gần đây, Mỹ đã khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) với 13 quốc gia. Nhưng ba nước ASEAN - Campuchia, Lào và Myanmar - không tham gia.
Theo Phó Giáo sư Sako, cách tiếp cận thông thường nhằm thúc đẩy xuất khẩu càng nhiều càng tốt dựa vào thương mại tự do có thể bị hạn chế trong tương lai, đặc biệt là khi hoạt động thương mại ảnh hưởng đến cán cân tài khoản vãng lai của các chính phủ.
Chuyên gia kinh tế trưởng của AMRO Hoe Ee Khor nhận xét, trong khi các nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, khu vực này nên tiếp tục củng cố khả năng phục hồi và chống chịu khủng hoảng bởi các cú sốc luôn luôn khác nhau./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phep-thu-moi-voi-chau-a-sau-25-nam-khung-hoang-tai-chinh/250388.html