Phí 0 đồng và khoảng hở trách nhiệm trong xây dựng chính sách
Hàng loạt công ty chứng khoán tại Mỹ đã giảm phí môi giới về 0 đồng năm 2019 sau khi Công ty Môi giới chứng khoán trực tuyến Robinhood áp dụng mức phí bằng 0 cho các giao dịch. Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) chia sẻ, trước sau gì TTCK Việt Nam cũng sẽ như TTCK Mỹ, nhưng chính ông cũng bất ngờ khi Thông tư của Bộ Tài chính bỏ phí sàn và phong trào phí 0 đồng đang lan nhanh trên TTCK Việt…
Phí 0 đồng, nỗi niềm thành viên và nhà quản lý
Trang web của Công ty Chứng khoán KB được thiết kế rất đẹp, nổi bật với thông tin “Miễn phí giao dịch chứng khoán phái sinh đến 31/12/2019” và “Lãi suất margin 0% trong 10 ngày giao dịch đầu tiên”.
Trang web của Chứng khoán AIS công bố: “Miễn phí giao dịch và lãi suất vay chỉ 9,5%/năm”. Chứng khoán Pinetree thì công bố áp phí giao dịch cổ phiếu 0%, lãi suất 9%/năm trọn đời…
Nhà đầu tư không khó để tiếp cận với rất nhiều thông tin về phí 0 đồng trên các trang web của khối công ty chứng khoán.
Có những công ty áp dụng thời hạn 3 - 6 tháng, nhưng đã có những công ty công bố miễn phí trọn đời.
Thực tế này khiến không ít công ty chứng khoán lớn giật mình và đặt lại câu hỏi: vì sao phí sàn môi giới chứng khoán (0,15%) bị bãi bỏ?
Dường như các công ty chứng khoán có chung cảm nhận, họ đã không được hỏi ý kiến về chính sách này trước khi Bộ Tài chính chính thức ban hành.
Tháng 2/2019, Thông tư 128/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực, chính thức bỏ phí sàn môi giới chứng khoán.
Lúc đầu, chính sách này không được mấy thành viên để ý, nhưng vài tháng trở lại đây, việc phí 0 đồng đã trở thành câu chuyện, thành mối lo chung của nhiều chủ thể đang cung cấp dịch vụ môi giới trên sàn.
Ông Trịnh Hoài Giang cho biết, ông không đánh giá việc áp phí 0% là đúng hay sai, nhưng cung cấp dịch vụ mà không thu phí thì không thể tốt được.
Lý do là vì ở vai trò tổ chức tài chính trung gian, công ty chứng khoán phải đầu tư rất nhiều tiền và nhân lực mới có đủ năng lực kết nối giao dịch với các sở, đảm bảo dòng giao dịch cổ phiếu trơn tru và an toàn thanh toán.
Nhà đầu tư muốn giao dịch được thực hiện phải sử dụng qua hệ thống của nhà môi giới và nhà môi giới lãnh trách nhiệm không chỉ cung cấp dịch vụ, mà còn là đảm bảo sự an toàn, vận hành chuẩn mực của hệ thống giao dịch chung trên thị trường.
“Nếu áp phí 0 đồng đòi hỏi đơn vị cung cấp dịch vụ phải có nguồn thu khác đủ để bù đắp”, ông Giang nói và cho rằng, ông rất tiếc khi chính sách bỏ phí sàn đã không được thảo luận triệt để trong các công ty chứng khoán hoạt động trên TTCK Việt Nam.
Cũng chia sẻ về phí 0 đồng, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, việc một số công ty chứng khoán áp dụng phí kiểu này trong ngắn hạn có tác dụng tăng sức hấp dẫn dòng tiền vào TTCK, nhưng về dài hạn thì có thể để lại hệ lụy không tốt khi các công ty chứng khoán phải cạnh tranh với nhau, cùng giảm phí, cùng bị mất nguồn thu chính từ dịch vụ cốt lõi của chính mình.
Thực tế này đặt ra đòi hỏi các công ty chứng khoán cần có trách nhiệm cao trong góp ý, phản biện chính sách, nhất là trong bối cảnh năm 2020 được coi là “năm làm chính sách”, khi dự kiến có 4 nghị định và trên 10 thông tư phải xây dựng, trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành.
Trong khi các thành viên chủ chốt tỏ ra bất ngờ với chính sách miễn phí môi giới thì ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, ngay khi xây dựng thông tư đầu tiên hướng dẫn hoạt động của TTCK Việt Nam vào năm 1999, chính ông và các cộng sự đã đưa vào quy định môi giới không có phí sàn.
Thông tư này được thực thi trong hơn 3 năm đầu hoạt động của TTCK, sau đó, đến năm 2004, theo kiến nghị từ các công ty chứng khoán, UBCK đã đề xuất chính sách áp dụng phí sàn môi giới (0,15%), phí trần 0,5% kể từ đó đến cuối năm 2018.
Việc một lần nữa phí sàn môi giới bị bỏ trong Thông tư mà Bộ Tài chính ban hành đầu năm 2019, cũng xuất phát từ kiến nghị từ chính khối công ty chứng khoán, không có chuyện cơ quan quản lý tự đưa quy định này vào.
Cũng theo ông Sơn, tại Việt Nam, phí trần, sàn môi giới vẫn được định danh trong văn bản pháp luật, trong khi ở nhiều TTCK quốc tế thì từ lâu, họ đã không can thiệp việc này.
Khoảng hở trách nhiệm trong xây dựng chính sách
Trong khi phí 0 đồng đang trở thành vấn đề khó xử với nhiều công ty chứng khoán, đang và có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của khối này, thì ở góc nhìn của nhà quản lý, cũng có những ý kiến trách các công ty chứng khoán đã thờ ơ mỗi khi cần nêu quan điểm, chính kiến trong việc định hình chính sách mới.
Trong cuộc họp với các thành viên của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cuối năm 2019, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, trong hoạt động của Sở, có nhiều khi Sở gửi văn bản xin ý kiến thành viên để lắng nghe về các điểm dự kiến đổi mới.
Tuy nhiên, kết quả nhận được thường là những câu trả lời chung chung, chủ yếu là “nhất trí”, rất ít khi được nhận những góp ý có chiều sâu hoặc có tính phản biện đích thực.
Khi đi vào vận hành, nếu những điểm mới làm vướng công ty chứng khoán thì Sở sẽ nhận lại nhiều phản hồi và chia sẻ rằng, lý do phản hồi là trước đây không để ý đến việc góp ý quy định.
Ví dụ cụ thể là việc triển khai sản phẩm CW, Sở đã làm rất kỹ, xin ý kiến nhiều vòng các thành viên, nhưng sau 6 tháng triển khai, quy định về CW bộc lộ nhiều điểm vướng trong vận hành của các thành viên, nhiều khả năng HOSE sẽ phải báo cáo UBCK để đề xuất sửa cho phù hợp.
Điểm khó cho công ty chứng khoán là các sản phẩm đưa ra đều là sản phẩm mới, chưa từng có ở Việt Nam, nên các công ty chứng khoán khó có thời gian để thẩm thấu sản phẩm và góp ý.
Thông thường, công ty chứng khoán chỉ lo vận hành, làm cách nào để triển khai được sản phẩm mới, chứ chưa dành nguồn lực góp sức cùng cơ quan quản lý xây sản phẩm, xây quy trình vận hành cho minh bạch, công bằng.
Năm 2020, như đánh giá của bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch VASB, là một năm bản lề vô cùng quan trọng đối với TTCK Việt Nam. Toàn bộ hành lang hướng dẫn dưới Luật Chứng khoán cùng với sự sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... sẽ được hình thành trong năm 2020.
Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các bản dự thảo thông tư, nghị định, luật, pháp lệnh… đều phải được công khai trên website của cơ quan soạn thảo trong khoảng 30 - 45 ngày để ghi nhận ý kiến đa chiều từ công chúng.
Trên TTCK, do Luật Chứng khoán 2019 khi có hiệu lực sẽ thay thế hoàn toàn Luật hiện hành, nên năm 2020, nhà quản lý dự kiến sẽ xây dựng ít nhất 4 nghị định và 11 thông tư hoàn toàn mới, kịp hướng dẫn Luật đi vào thực tiễn từ 1/1/2021.
Theo đó, để tránh tình trạng chính sách gây bất ngờ với cuộc sống, đòi hỏi các thành viên thị trường, không chỉ khối công ty chứng khoán, mà còn khối công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng, nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân liên quan, đều cần có trách nhiệm góp sức cho công tác làm mới văn bản pháp lý.