Phi công quân sự rèn thể lực

Do đặc thù môi trường hoạt động trên không nên các phi công quân sự phải liên tục rèn luyện thể thao để nâng cao thể lực. Một buổi thực tế tại Trường Sĩ quan Không quân đã cho thấy điều này.

Quay, quay và quay!

“50! 51!... Đảo chiều!... Dừng!”. Tiếng hô vừa dứt, học viên Đặng Xuân Sơn (Trường Sĩ quan Không quân) nhẹ nhàng nhảy xuống khỏi vòng quay trụ sau vài chục vòng quay xuôi - ngược chiều kim đồng hồ theo phương thẳng đứng. “Luyện thể lực hàng không là phải “quay, quay và quay!”. Ngày mới vào trường, khi tập xong bước xuống khỏi vòng quay trụ, tôi hơi mệt nhưng không chóng mặt, vì tất cả học viên vào đây đều có tiền đình rất tốt”, anh nói. Anh cho biết thêm, trong tuần, các học viên, giảng viên đều luân phiên theo ngày tập luyện các môn thể thao như: xà, tạ, đu quay, chạy 50m x 2, vòng quay trụ; trong đó không thể thiếu những nội dung đặc chủng để rèn luyện tiền đình, thể chất. Ngày nghỉ cuối tuần, học viên, giảng viên chơi bóng chuyền, bóng rổ…, trừ bóng đá. Khi học phổ thông, anh Sơn chưa từng tập luyện thể thao hàng không nên tuần đầu tiên nhập trường, tập luyện với cường độ lớn, anh cũng thấy mệt, nhưng từ tuần thứ hai trở đi, anh hoàn toàn bình thường.

 Học viên, giảng viên Trường Sĩ quan Không quân rèn thể lực với vòng quay trụ.

Học viên, giảng viên Trường Sĩ quan Không quân rèn thể lực với vòng quay trụ.

Đại úy Nguyễn Vũ Chính - Phó Phi đội trưởng huấn luyện Phi đội 2 Trung đoàn Không quân 920, Trường Sĩ quan Không quân chia sẻ, đối với hàng không quân sự, rèn luyện thể lực và tiền đình rất quan trọng, vì trong quá trình bay, các động tác bay nhào lộn phức tạp rất nhiều, đòi hỏi phi công phải luôn tỉnh táo để làm chủ được phương tiện hàng không và đáp ứng được các bài bay chiến đấu sau này. Các môn thể thao hàng không đều đòi hỏi nhiều kỹ năng, bổ trợ tiền đình, giúp phi công không chóng mặt, nôn ói trong quá trình bay. Việc tập luyện thể thao hàng ngày áp dụng với toàn bộ giảng viên, học viên, không có ngoại lệ.

Chú trọng nền tảng thể lực

Một ngày của học viên, giảng viên Trường Sĩ quan Không quân trung bình bắt đầu trước 4 giờ và kết thúc lúc 21 giờ. Trong đó, riêng thời gian rèn luyện thể lực chiếm khoảng 2 giờ buổi chiều. Trong tiêu chuẩn rèn luyện thể lực các thành phần bay, có rất nhiều nội dung. Trong đó, ngoài những nội dung rèn luyện tố chất sức nhanh, sức mạnh, sức bền như: Lên sắp xà đơn, ke bụng xà kép, chạy 50m x 2, bơi, chạy 1.500m, chạy 3.000m, cử tạ, bóng chuyền, bóng rổ…, còn có nhiều nội dung rèn luyện đặc chủng như: Đu quay xuôi, ngược, thang quay, vòng quay trụ, vòng lăn... Mỗi nội dung rèn luyện đều có những tiêu chuẩn đánh giá nghiêm ngặt cho từng đối tượng: Học viên, sĩ quan dưới 36 tuổi, sĩ quan trên 36 tuổi. Đáng kể nhất vẫn là các nội dung rèn luyện đặc chủng. Có 4 mức đánh giá thể lực (xuất sắc, giỏi, khá, đạt) tùy vào mức độ rèn luyện mà học viên, giảng viên đạt được. Để đạt mức xuất sắc (9 đến 10 điểm), ở nội dung vòng quay trụ, học viên phải hoàn thành 60 - 70 vòng/phút; sĩ quan dưới 36 tuổi là 55 - 65 vòng/phút và trên 36 tuổi là 50 - 60 vòng/phút. Với nội dung thang quay, tiêu chuẩn đạt xuất sắc lần lượt là 40-45; 35-40 và 30-35 vòng/phút. Ở mức đạt, đối với vòng quay trụ, học viên, giảng viên dưới 36 tuổi, trên 36 tuổi phải hoàn thành lần lượt là 40-44, 35-39 và 30-33 vòng/phút và 25-29, 15-22 và 10-17 vòng/phút đối với nội dung thang quay.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Đô - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 920, Trường Sĩ quan Không quân cho biết, để trở thành học viên phi công, khi sơ tuyển đầu vào, người đó được thử thách với đạp xe gắng sức trong 30 phút; rồi được kiểm tra quay khoảng 50 - 70 vòng trong 1 phút, khi vừa dừng phải bước xuống đứng thẳng được, sau đó bước đi thẳng, không loạng choạng, không chệch hướng. Ngoài ra, còn rất nhiều bài kiểm tra thể lực, tiền đình khác. Những bài kiểm tra đầu vào đều rất ngặt nghèo; việc rèn luyện các nội dung thể thao hàng không cũng đòi hỏi tổn hao thể lực rất nhiều. Tuy nhiên, khi học viên thích ứng được sẽ giúp rèn luyện thể lực và tiền đình rất tốt, bổ trợ cho một số hoạt động bay. Đơn vị xác định, nền tảng thể lực là cơ sở để học viên phi công tiếp thu kỹ thuật lái và thực hiện các bài bay phức tạp, ứng dụng chiến đấu sau này. Với đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm, có bề dày thực tiễn, luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, Trường Sĩ quan Không quân đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ phi công cho đất nước, tiếp tục đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

MAI - TRÚC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202010/phi-cong-quan-su-ren-the-luc-8190882/