Phi công Ukraine tiết lộ những mối nguy hiểm trong cuộc không chiến với Nga
Một phi công điều khiển tiêm kích MiG-29 của Ukraine đã mô tả về cuộc chiến khó khăn trên bầu trời, phần lớn do sự thay đổi chiến thuật của phía Nga.
Hơn 9 tháng xung đột, bản chất cuộc không chiến ở Ukraine đã thay đổi đáng kể, một phần do sự thay đổi chiến thuật của Nga và một phần do sự xuất hiện của các hệ thống phòng không mới mà Ukraine đã triển khai cũng như những nhiệm vụ mới mà các phi công nước này đang đảm nhận.
Nhiệm vụ của MiG-29
Đối với Juice – một phi công lái tiêm kích MiG-29 của quân đội Ukraine, phần lớn các cuộc xuất kích của máy bay này liên quan đến việc đánh chặn các mối đe dọa. Tùy thuộc vào yêu cầu, đôi khi Juice được cử đến những khu vực xa hơn để bổ sung sức mạnh không quân, chẳng hạn như vùng Mykolaiv và Kherson ở phía Nam đất nước. Nhiệm vụ hộ tống cũng là một phần công việc nhằm bảo vệ các phương tiện trên không khi chúng hoạt động gần tiền tuyến.
Bên cạnh đó, MiG-29 còn được triển khai để bắn hạ máy bay không người lái và sử sụng tên lửa tốc độ cao chống bức xạ AGM-88 HARM mà phương Tây chuyển giao để tiêu diệt hệ thống radar cảnh giới của đối phương, bảo vệ an toàn cho các đợt không kích của quân đội trước hệ thống phòng không của đối phương.
Mặc dù sự xuất hiện của HARM có thể mang lại lợi thế cho Ukraine, nhưng phi công Juice cho rằng quân đội nước này vẫn bị hạn chế lớn về khả năng tác chiến trên không do thiếu tên lửa không đối đất dẫn đường chính xác, tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar chủ động.
Trong số các nhiệm vụ nói trên, Juice thừa nhận việc sử dụng tiêm kích MiG-29 bắn hạ máy bay không người lái mà Nga triển khai trên chiến trường, đặc biệt là UAV có nguồn gốc từ Iran như Shahed-136 là điều rất khó khăn. Juice cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bắn hạ được một chiếc UAV Shahed-136 nào bằng máy bay MiG-29, dù tiêm kích này có thể xuất kích phản ứng nhanh trong 24 giờ để đánh chặn các mục tiêu trên không.
“Có những lần tôi đã tiếp cận được mục tiêu và sẵn sàng nhắm bắn nhưng sau đó phát hiện ra máy bay bay ngay trên khu dân cư, vì thế tôi không thể nhả đạn do lo sợ gây thương vong và thiệt hại cho người dân. Tôi đã từ bỏ mục tiêu và quyết định bàn giao nhiệm vụ cho các đơn vị điều khiển hệ thống tên lửa phòng không vác vai di động (MANPADS) hoặc pháo phòng không”. Theo phi công Juice, UAV còn khó bắn hạ hơn tên lửa hành trình, đặc biệt là vào ban đêm.
Ngoài việc không có nhiều vũ khí để đối phó với máy bay không người lái, một thách thức khác đối với phi đội MiG-29 là vấn đề hậu cần và bảo trì nhằm đảm bảo cho máy bay có thể sẵn sàng chiến đấu trên các địa điểm trải khắp đất nước. Với số lượng máy bay chiến đấu ngày càng ít, các nhà máy sửa chữa và bảo trì của Ukraine buộc phải tân trang lại những máy bay chiến đấu cũ đã ngừng hoạt động từ lâu.
Sự thay đổi chiến thuật của Nga
Phi công Juice cho biết, trong những ngày đầu của cuộc xung đột, không quân Nga nhìn chung luôn tránh giao chiến trực tiếp với máy bay chiến đấu của Ukraine nếu nhận thấy lợi thế không nghiêng về phía họ và hiện giờ vẫn vậy.
Tuy nhiên, Juice thừa nhận, Nga đã thay đổi tính toán và áp dụng những chiến thuật mới lợi hại hơn rất nhiều.
Không quân Nga đã điều máy bay chiến đấu thực hiện các cuộc tuần tra toàn thời gian (CAP), có sự yểm trợ của máy bay cảnh báo sớm trên không A-50 Mainstay và phi cơ trinh sát tình báo tín hiệu (SIGINT) Il-20 Coot-A hoặc máy bay tác chiến điện tử Il-22PP. Nếu như Il-20 có khả năng phát hiện phát xạ vô tuyến và điện tử của Ukraine, thì Il-22PP bổ sung khả năng gây nhiễu các radar phòng không đối phương. Il-22PP là một phần của phi đội tác chiến điện tử của Nga, bên cạnh các máy bay trinh sát và thu thập thông tin như Su-24MR Fencer-E và Su-34 Fullback.
“Những máy bay này thực hiện nhiệm vụ gần như 24/7 nên rất nguy hiểm đối với lực lượng phòng không của chúng tôi. Mối đe dọa lớn hơn là khi một chiếc Su-35 thực hiện CAP. Nó không chỉ có khả năng mang vũ khí không đối không mà còn có cả tên lửa tiêu diệt hệ thống radar Kh-31P hoặc tên lửa không đối đất AS-17 Krypton. Ngoài ra, nó cũng có thiết bị tác chiến điện tử Khibiny, bảo vệ máy bay khỏi các hệ thống tên lửa phòng không. Tất cả những vũ khí này kết hợp lại sẽ đặt ra thách thức lớn cho chúng tôi”, Juice nói.
Phi công Juice lưu ý, một loại vũ khí mới đáng lo ngại khác của Nga là tên lửa không đối không tầm xa R-37M được trang bị cho máy bay chiến đấu Su-35S và MiG-31BM Foxhound-C. Tên lửa này không được sử dụng trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột nhưng đã xuất hiện tại Ukraine vào mùa Hè năm nay. R-37M có tầm bắn lên đến 398 km, có thể đe dọa máy bay của Ukraine ngay cả khi tên lửa được phóng từ không phận Nga.
Tuy vậy, các phi công Ukraine đã tìm ra một số biện pháp để giảm thiểu mối đe dọa do R-37M gây ra, Juice cho biết: “Chúng tôi đã nắm bắt được phần nào chiến thuật của Nga trong quá trình đánh chặn tên lửa và tìm ra những biện pháp kỹ thuật riêng để đối phó với nó. Song không thể phủ nhận tên lửa này đang hạn chế khả năng thực hiện nhiệm vụ của chúng tôi”.
Theo phi công Juice, hệ thống phòng không của Nga vẫn là một trở ngại lớn. Anh cho rằng, sau các cuộc giao tranh kéo dài hơn 9 tháng, Nga đã bị tổn thất khá nhiều và “buộc phải sử dụng một số hệ thống cũ hơn để thay thế các hệ thống đã bị hư hỏng”, tuy vậy, máy bay chiến đấu của Ukraine vẫn gặp nhiều rủi ro khi bay vòng quanh chiến tuyến do Nga có rất nhiều hệ thống MANPADS và vũ khí khác.
Ngoài ra còn có những lo ngại về khả năng Belarus có thể tham gia chiến dịch quân sự của Nga, một kịch bản mà phi công Juice cho rằng Ukraine có thể sẽ phải hứng chịu nhiều cuộc không kích hơn từ lãnh thổ nước láng giềng. Các cuộc tấn công của Nga từ phía Belarus có thể bao gồm phóng tên lửa hành trình Kh-22 từ máy bay ném bom Tu-22M3 Backfire-C hoặc tên lửa không đối đất Kh-59M từ máy bay chiến đấu Flanker. Nga chủ yếu sử dụng các vũ khí tầm ngắn này để tấn công các mục tiêu ở phía Đông và phía Nam Ukraine, nhưng một chiến dịch không kích mới được tiến hành từ Belarus cũng sẽ khiến quân đội Ukraine ở phía Tây gặp nhiều rủi ro./.