Phi đội Quyết Thắng: 'Thần tốc, táo bạo'
Trong không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Đại biểu Nhân dân gặp được Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Từ Đễ - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn - Quân đội Nhân dân Việt Nam, phi công Phi đội Quyết Thắng, Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, người dùng máy bay thu được của địch, ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28.4.1975.
Trận đánh thần tốc vào sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết Thắng là đòn đánh chí mạng, bất ngờ, ngoạn mục vào trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn, góp phần đẩy nhanh thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một mốc son trong lịch sử vẻ vang của lực lượng không quân Việt Nam trong chiến thắng lịch sử 30.4.1975.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Từ Đễ. Ảnh: Tịnh Hà
Gia đình hai thế hệ anh hùng
Gặp Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Từ Đễ và nghe ông kể chuyện về cụ Từ Giấy từ thời còn hàn vi, rồi khi cụ là bác sĩ quân y, cho đến việc cụ được phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động…
Có nhiều gia đình, các con phấn đấu cả đời nhưng khó vượt thoát những “bóng rợp” danh tiếng của cha mẹ mình. Hay nói cách khác, một gia đình mà cả hai thế hệ đều được phong Anh hùng là điều “xưa nay hiếm”. Nhưng điều này được tái hiện trong gia đình Đại tá Từ Đễ.

Chân dung một số Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tịnh Hà
Chắc hẳn tới bây giờ, nhiều thế hệ người Việt vẫn còn nhớ cố Giáo sư Từ Giấy, tác giả của những phong lương khô N70, N71 hay mô hình Vườn Ao Chuồng đã “cứu đói, làm giàu” cho bao gia đình người Việt. Cố Giáo sư Từ Giấy trở thành một trong 20 “huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới; được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, Huân chương Độc lập hạng nhì... Và ông Từ Giấy chính là cha ruột của Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Từ Đễ.
Điều khiến chúng tôi ấn tượng đó là câu nói “Hổ phụ sinh hổ tử”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả dân tộc ra trận, hàng vạn gia đình có nhiều người đi bộ đội, có nhiều gia đình cả hai thế hệ cùng lên đường chống Mỹ. Nhưng những gia đình mà cả hai cha con đều tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử như gia đình Giáo sư Từ Giấy thì không nhiều.
Người con trai trưởng của gia đình là Đại tá Từ Đễ- phi công của Phi đội Quyết Thắng, Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 - người từng dùng máy bay thu được của địch, ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28.4.1975; được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, làm Phó Cục trưởng cục Quân huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Từ Đễ. Ảnh: Tịnh Hà
Các người con khác của Giáo sư Từ Giấy cũng đều thành đạt, gìn giữ gia giáo, gia phong và tiếp truyền những giá trị truyền thống của gia đình. Đó là, người con thứ hai cũng theo binh nghiệp là Thiếu tướng Từ Linh - Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng; người con út là Từ Ngữ cũng trở thành Tiến sĩ, bác sĩ nổi tiếng.
Không giấu được vẻ bùi ngùi khi chia sẻ về vai trò của người cha mẫu mực trong câu chuyện của mình, Đại Tá Từ Đễ xúc động: “Có được những thành tích trong chiến đấu là nhờ sự kiên trì rèn luyện, nhờ sự hỗ trợ của các đồng đội, nhưng trước hết, chính là nhờ gia đình. Đó là cha tôi, người đã dạy cho chúng tôi phải biết phấn đấu, học tập một cách độc lập từ tấm bé”.
Tinh thần “thần tốc”

Phi công Từ Đễ (thứ 3 từ trái qua phải) cùng Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn trước khi đánh sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28.4.1975. Ảnh tư liệu
Và rồi câu chuyện của chúng tôi lại quay về chuyện… ném bom. Trong những thành tích xuất sắc của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Từ Đễ có 2 kỳ tích thường được nhắc đến.
Kỳ tích thứ nhất là vào đêm 18.12.1972, sân bay Kép bị máy bay F111 ném bom nhằm chặn Mig 21 của ta cất cánh, đánh B52. Lệnh trên bằng mọi giá, Mig phải cất cánh bằng đường băng phụ đang sửa chữa của sân bay. Và Từ Đễ, trong đội hình Tiêm kích 923 đã trực tiếp chỉ huy cất cánh hạ cánh từ đường băng phụ chỉ rộng 16m và dài 1.500m…
Khi chiếc MiG hạ cánh an toàn, tất cả chuyên gia kỹ thuật, kể cả chuyên gia Liên Xô chỉ biết lắc đầu, không hiểu nổi vì sao lại có thể thực hiện những lần cất cánh kỳ lạ như vậy. Và cho đến nay, trong lịch sử không quân, đây vẫn là dấu mốc mà chưa ai có thể vượt qua.
Còn kỳ tích thứ hai thì chắc hẳn đã nhiều người biết. Chiều 28.4.1975, trong đội hình 5 chiếc máy bay A37 vừa thu được của địch, Từ Đễ bay số 2, Nguyễn Thành Trung bay số 1, Trần Văn On bay số 5… đeo nặng bom lặc lè từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) bổ nhào xuống Tân Sơn Nhất.

Triển lãm 50 năm vang mãi bản hùng ca giới thiệu gần 500 hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá phản ánh chặng đường đấu tranh, giải phóng miền Nam. Ảnh: Tịnh Hà
Những tiếng nổ kinh thiên động địa do 5 chiếc A37 tạo nên đã góp phần đắc lực cho cuộc cáo chung một chế độ. Nhưng điều đáng nói ở đây là thông thường để chuyển loại máy bay phải mất 3 tháng, nhưng với tinh thần “thần tốc”, các phi công chỉ có 5 ngày làm quen và với 90’ bay thử nghiệm.
Vậy mà cuộc dội bom chớp nhoáng vào sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết Thắng đã phá hủy 24 máy bay của địch và các kho xăng, kho vũ khí. Đặc biệt, cả 5 tiêm kích A-37 đều trở về căn cứ ở Phan Rang an toàn.
Ông Từ Đễ nhớ lại, khi điều khiển máy bay ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, ông khá lo lắng vì sợ máy bay hỏng giữa đường. Nỗi lo kế tiếp là thời tiết, vì lúc đó là mùa mưa, trời rất nhiều mây, khó quan sát. Điều lo lắng nhất là sợ “quân ta đánh quân mình”, do đây là trận đánh thần tốc, bí mật.

Những hình ảnh, hiện vật quý giá phản ánh chặng đường đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Tịnh Hà
50 năm sau trận đánh hào hùng ngày 28.4.1975, dù đã bước sang tuổi 76, song ông vẫn nhanh nhẹn, vóc dáng cao lớn, ánh mắt tinh anh, đúng với phong thái của một phi công chiến đấu.
Kể về những tháng năm liều mình cầm cần lái bay lượn trên bầu trời, vượt qua đạn bom của kẻ thù, Đại tá Từ Đễ không giấu được vẻ bùi ngùi, xúc động. Và, khi được hỏi về câu chuyện: “dám” lượn một vòng ngắm Sài Gòn sau khi ném bom Tân Sơn Nhất, rồi lại chào phi công Hoa Kỳ khi “va” nhau trên trời... Ông Từ Đễ cười rất sảng khoái, đôi mắt ánh lên nét tinh anh.
Sau này, Đại tá Từ Đễ trở thành Phó Cục trưởng Cục Quân huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp trong biên soạn lịch sử, diễn biến hơn 350 trận không chiến của không quân Việt Nam, để lại những kinh nghiệm, bài học quý cho thế hệ sau.
Tăng tốc bứt phá
Sau 50 năm kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chứng kiến sự phát triển từng ngày của TP. Hồ Chí Minh, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Từ Đễ nhận xét, trong khoảng 20 năm trở lại đây, thành phố được đầu tư mạnh mẽ các dự án đô thị, đường vành đai, tàu điện ngầm. Giờ đây, Thành phố đã khẳng định được vị thế là một trung tâm kinh tế, văn hóa và đô thị lớn nhất cả nước.
Song theo ông Từ Đễ, là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP. Hồ Chí Minh cần đầu tư “thần tốc” hơn nữa các dự án đường bộ, đường sắt nội đô, như tinh thần “táo bạo, thần tốc” trong trận chiến của Phi đội Quyết Thắng cách đây nửa thế kỷ. Đặc biệt, Thành phố cần xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế để vượt qua thách thức, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Câu chuyện với người lính phi công Anh hùng, lừng lẫy ngang dọc một thời này mỗi lúc càng thú vị. Đứng trước mặt chúng tôi, ông Từ Đễ nom thật hiền lành với lời nhắn nhủ: bây giờ là thời đại của hạnh phúc, của phát triển; thế hệ trẻ hôm nay việc quan trọng nhất là phải học, phải rèn luyện sức khỏe. Ngày xưa thanh niên được rèn luyện trong can trường bom đạn nhưng ý chí không nhụt bao giờ, thanh niên ngày nay phải làm được hơn những gì mà chúng tôi làm được trước đây…