Phi đội Rafale Pháp lần đầu trang bị tên lửa Meteor khi bay thực tế

Đơn vị máy bay chiến đấu đầu tiên Không quân Pháp được trang bị tên lửa không đối không Meteor đã chính thức có chuyến bay thực tế đầu tiên, đánh dấu sự khởi đầu của việc tích hợp tên lửa đầy uy lực cho các chiến đấu cơ Rafale của nước này.

Rafale là máy bay hạng nhẹ hai động cơ, là một trong hai dòng máy bay chiến đấu đang có trong trang bị của Pháp cùng với chiếc Mirage 2000 cũ hơn cùng phân khúc, đã được đưa vào sử dụng từ thời Chiến tranh Lạnh.

Một chiếc Rafale của Không quân Pháp. (Nguồn: Military Watch)

Một chiếc Rafale của Không quân Pháp. (Nguồn: Military Watch)

Thiếu hụt tên lửa không đối không tầm xa

Tên lửa Meteor được phát triển chung như một dự án liên Âu nhằm đáp ứng nhu cầu của 6 quốc gia gồm Anh, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Pháp. Bốn nước đầu trong nhóm này đã cùng phát triển máy bay Eurofighter, trong khi Thụy Điển phát triển Gripen nhỏ hơn nhiều với sự hỗ trợ đáng kể của Mỹ, còn Pháp phát triển Rafale.

Meteor là tên lửa không đối không tầm xa đầu tiên của châu Âu được sản xuất hàng loạt. Các máy bay Eurofighter và Gripen trước đây dựa vào tên lửa AIM-120 AMRAAM của Mỹ trong khi các máy bay của Pháp sử dụng tên lửa MICA tầm xa hơn nhiều.

Tuy nhiên, cả Rafale và MICA đều không có trải nghiệm đáng kể nào trong không chiến và các ước tính về hiệu suất thực tế của chúng rất khác nhau. Không quân Pháp từ lâu đã thiếu các tên lửa không đối không tầm xa so với các cường quốc khác. Tên lửa MICA mà họ đã trông cậy kể từ giữa những năm 1990 như là tên lửa hàng đầu ngoài tầm nhìn bị hạn chế tham chiến ở cự li khoảng 80 km.

Điều này đã khiến các máy bay chiến đấu của Pháp bị lép vế so với nhiều đối thủ nước ngoài của họ và khiến tên lửa không thể được tích hợp trên máy bay chiến đấu Rafale từ giữa những năm 2010. Để thay thế tầm bắn ngắn của MICA, AIM-120C có tầm bắn xấp xỉ 100km của Mỹ được sử dụng rộng rãi trong NATO, cũng như PL-12 của Trung Quốc và R-77 của Nga đã được sử dụng trong khoảng hai thập kỷ.

R-37 và R-37M của Nga có tầm bắn 400 km; PL-15 của Trung Quốc có tầm bắn ước tính từ 250-300 km; và AIM-120D của Mỹ có tầm bắn ước tính từ 160-180 km. Do đó, việc tích hợp Meteor lần này là một sự thúc đẩy rất quan trọng đối Không quân Pháp, với tên lửa có tầm bắn ước tính khoảng 180-250 km cùng lợi thế về khả năng cơ động và khả năng chống nhiễu cao.

Tuy nhiên, chỉ một phần trong số các máy bay Rafale được tích hợp các radar AESA hiện đại, điều kiện cần thiết để có thể phát huy đầy đủ tính năng của Meteor.

Tên lửa "lai tạo" công nghệ Anh - Nhật Bản

Được biết, Meteor là tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn, dẫn đường bằng radar chủ động, được nghiên cứu phát triển vào những năm 1990 và đưa vào sử dụng từ năm 2016. Tháng 7/2014, nhà thầu chính của Meteor là MBDA - liên doanh sản xuất tên lửa của Airbus, Leonardo và BAE Systems đã đồng ý cùng Nhật Bản nghiên cứu phát triển tên lửa không đối không (JNAAM) trên cơ sở Meteor bằng cách "kết hợp các công nghệ tên lửa của Anh và công nghệ đầu tìm Mitsubishi Electric AAM-4B của Nhật Bản".

Tên lửa Meteor được trang bị động cơ phản lực tĩnh siêu âm dùng nhiên liệu rắn TDR, tiêu thụ ít nhiên liệu hơn, vừa là động cơ phản lực trong môi trường khí quyển, vừa là tên lửa đẩy trong môi trường không gian. Tên lửa này dùng để tiêu diệt các loại mục tiêu bay ngoài tầm nhìn, bất kể ngày đêm, có tốc độ cao trên toàn quỹ đạo bay và hoạt động tốt trong môi trường tác chiến điện tử của đối phương, tầm bắn tối đa có thể đạt 185km, độ cao đánh chặn hiệu quả lên tới 25km, "khu vực không thể trốn thoát" trên 60-100km - lớn nhất trong số các tên lửa không đối không.

Meteor có chiều dài 3,6m; đường kính thân 180mm; trọng lượng 185kg, được trang bị đầu nổ phá mảnh - sản phẩm của công ty Đức TDW, là một công ty con của công ty vũ khí dẫn đường châu Âu MBDA, một trong những công ty hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực phát triển và sản xuất đầu đạn cho vũ khí dẫn đường.

Đến nay, Meteor đã được tích hợp trên tiêm kích Typhoon EF-2000, Dassault Rafale và Saab JAS 39 Gripen. Với khả năng bám đuổi mục tiêu, tên lửa Meteor có khả năng sát thương gấp 5 lần so với các tên lửa thông thường như tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 của Mỹ hay R-77 của Nga. Một đường dẫn hai chiều cho phép máy bay cập nhật các dữ liệu mục tiêu trong khi bay hoặc chỉnh lại mục tiêu nếu cần, kể cả dữ liệu từ các bên thứ ba.

Động cơ phản lực tĩnh siêu âm tạo cho tên lửa lực đẩy và gia tốc cần thiết để đánh chặn mục tiêu. Đáng chú ý là tên lửa không đối không Meteror không chỉ đạt được sự tuyệt đối về tầm bắn, mà còn có thể kết thúc “cuộc chơi” - khả năng tập trung đủ năng lượng vào giai đoạn cuối của đường bay để tấn công một mục tiêu cơ động mà vẫn có thể thực hiện tất cả mọi thủ thuật để thoát khỏi tên lửa bám đuổi.

Theo Jane's Defence Weekly, BAE Systems đã bắt đầu quá trình tích hợp tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Meteor trong khoang vũ khí cho chiến đấu cơ F-35 Lightning II. Dự kiến, việc tích hợp Meteor cho Lockheed Martin F-35 Lightning II B Block 4 của Vương quốc Anh sẽ hoàn thành trước 2024.

(theo Military Watch Magazine)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phi-doi-rafale-phap-lan-dau-trang-bi-ten-lua-meteor-khi-bay-thuc-te-138546.html