Phí không dừng trạm BOT hiu hắt vì thiếu đồng bộ
Đến thời điểm này, các trạm BOT lắp đặt thu phí không dừng chủ yếu 2 làn xe. Bởi theo các nhà đầu tư, hiện số phương tiện đăng ký trả phí tự động còn quá thấp. Qua 2 năm thực hiện, tỷ lệ này chỉ khoảng 800.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện, trong đó chỉ 30% nạp tiền sử dụng dịch vụ.
Tỷ lệ phương tiện sử dụng thẻ ETC chiếm con số nhỏ
Một tuần qua, tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình đã được triển khai hình thức thu phí không dừng ETC. Đây là tuyến đường thứ 9 triển khai thu phí công nghệ ETC tại các tỉnh miền Bắc.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (đơn vị quản lý trạm thu phí Km 212+200) cho hay, đến nay, công ty đã đầu tư 44 làn ETC trên tuyến cao tốc, nhưng thời điểm này tại mỗi trạm thu phí mới chỉ mở 2 làn ETC (1 làn ra, 1 làn vào) do lượng phương tiện chưa sử dụng thẻ ETC vẫn chiếm số lượng lớn, nếu mở nhiều làn thu phí ETC dễ dẫn tới ùn tắc.
Cũng theo ông Oánh, trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lưu lượng xe hiện tại vào khoảng 60.000 xe/ngày đêm, nhưng tỷ lệ phương tiện sử dụng thẻ ETC chỉ chiếm khoảng 5%, một con số rất nhỏ.
Chia sẻ về các biện pháp để lái xe khi qua các trạm trên tuyến có thể dễ dàng nhận biết được làn thu phí không dừng, ông Vũ Ngọc Oách cho hay, để tạo điều kiện cho người tham gia giao thông nhận biết làn xe thu phí tự động ETC, ngoài biển chỉ dẫn đặt cách trạm 700 m, còn có vạch sơn khác biệt (sơn màu xanh trên nền đường) để chỉ dẫn đến làn xe ETC. Cùng với đó, trên giá long môn tại trạm thu phí đều có biển màu đỏ ghi rõ "Làn thu phí ETC". Đặc biệt, trước đó nhiều ngày công ty đã thực hiện phát loa liên tục 24/24h tại các trạm thu phí trên cao tốc về nội dung này.
Trước đó, tại các tỉnh miền Bắc, công nghệ thu phí ETC cũng đã được triển khai trên các tuyến đường, cầu BOT: Hạc Trì (Phú Thọ), cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, trạm thu phí Tam Nông (QL32 đoạn qua Phú Thọ), trạm thu phí Tiên Cựu (QL10 đoạn qua Hải Phòng), trạm thu phí QL5A, trạm thu phí Phả Lại (QL18), trạm thu phí cầu Yên Lệch (QL38 Hưng Yên).
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến tháng 6/2020, trên cả nước có trên 3,7 triệu ô tô. Tuy nhiên, do số lượng xe dán thẻ ETC mới đạt hơn 870.000 xe nên mặc dù triển khai thu phí không dừng, nhưng Tổng cục yêu cầu, các trạm chỉ bố trí từ 1 đến 2 làn thu phí theo công nghệ ETC, còn lại vẫn phải duy trì các làn thu phí thủ công (phương tiện dừng lấy vé, trả tiền mặt) như lâu nay.
Phấn đấu đến cuối năm hoàn thành hệ thống thu phí không dừng
Cũng theo ghi nhận, tại một số địa phương hệ thống thu phí không dừng đã đưa vào hoạt động nhưng lái xe không mặn mà. Đơn cử như trạm thu phí An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1 (quận Bình Tân, TPHCM), trạm thu phí cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công (quận 2, TPHCM), nhà đầu tư đã triển khai các làn thu phí ETC trên cả 2 chiều lưu thông. Tuy nhiên, hệ thống thu phí ETC tại các trạm bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế, đặc biệt là số lượng phương tiện sử dụng vẫn rất thấp. Tại trạm BOT An Sương - An Lạc, từ lúc đưa vào hoạt động năm 2018, lượng xe sử dụng dịch vụ ETC chỉ chiếm 3,66% trên tổng các các phương tiện lưu thông qua trạm. Còn tại trạm BOT cầu Phú Mỹ, tỉ lệ cao hơn nhưng cũng chỉ ở mức 24%.
Sở GTVT TPHCM đánh giá nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên là do hiện nay vẫn chưa có quy định bắt buộc các ôtô phải dán thẻ Etag, mở và nộp tiền vào tài khoản trả trước. Ngoài ra, dù nhiều trường hợp có dán thẻ, mở tài khoản nhưng lại không nộp tiền. Thêm vào đó là việc liên thông giữa các trạm thu phí trên địa bàn TPHCM với các địa phương lân cận không đồng bộ, dẫn đến không hiệu quả.
Đây là lý do khiến đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi người điều khiển phương tiện chưa thấy được lợi ích từ thu phí tự động không dừng. Chính vì vậy, tiến độ triển khai dịch vụ này chậm và không đạt yêu cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, phương án trích lập phần trăm doanh thu trên làn thu phí không dừng đã đẩy đơn vị ETC vào thế khó, thu không đủ bù chi. Song, theo ông Thọ, bản chất dự án ETC là một bộ phận của BOT, gắn liền với dự án BOT cả về doanh thu.
"Nếu doanh thu dự án BOT đảm bảo thì không vấn đề gì, nhưng nếu doanh thu thu phí hụt thì phải có cơ chế chia sẻ cho nhà đầu tư BOT cũng như đảm bảo quyền lợi cho đơn vị cung cấp ETC. Chúng tôi đã tính toán phương án khả thi nhất nếu nguồn thu bị hụt có thể kéo giãn thời gian thu phí thêm vài tháng", ông Thọ cho hay.
Cũng theo ông Thọ, mục tiêu Bộ GTVT đặt ra vẫn là phấn đấu sẽ hoàn thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cuối năm 2020 lắp đặt làn ETC trên các trạm thu phí cả nước. Trường hợp một số trạm đã lắp đặt nhưng đang vận hành thử hoặc chưa kịp vận hành có thể kéo dài thêm sang đầu năm 2021.
Sử dụng ETC như tài khoản điện thoại trả trước
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để sử dụng được làn thu phí ETC, mỗi xe sẽ được nhà cung cấp dịch vụ mở một thẻ dán ở cửa kính trước (vòng tròn đỏ) để định danh, nhận diện khi qua trạm thu phí. Các chủ phương tiện là cá nhân dán thẻ cần mang theo Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước/Hộ chiếu; đăng ký và đăng kiểm từng xe; thông tin xe đúng theo giấy tờ xe. Chủ phương tiện là tổ chức, doanh nghiệp cần mang theo dăng ký kinh doanh hoặc công văn của tổ chức (kèm danh sách xe); đăng ký, đăng kiểm từng xe; thông tin xe đúng theo giấy tờ xe.
Được biết, tài khoản giao thông do VETC cung cấp được sử dụng như tài khoản điện thoại trả trước, khách hàng nạp tiền và sử dụng cho tất cả các trạm thu phí ETC trên cả nước. Khi qua các làn thu phí xe đã dán thẻ di chuyển bình thường và không phải dừng, hệ thống thu phí không dừng ETC sẽ tự động nhận diện, thanh toán phí.